.

Không chỉ một ngày hái quả...

.

Ngày 16-8-2009, lần thứ nhì, bóng đá Đà Nẵng chính thức lên ngôi Vua của bóng đá Việt Nam. Ngược thời gian với 6.289 ngày trước đó, Đà Nẵng cũng từng được vinh danh với ngôi vô địch Giải bóng đá hạng các đội mạnh toàn quốc 1992. Và dù chỉ mới 2 lần gặt hái thành quả nhưng có hơn 30 năm, bóng đá Đà Nẵng thường xuyên được nhìn nhận như một “thế lực” của bóng đá Việt Nam.

"Với tôi, Đà Nẵng đã là quê hương thứ hai". 

Nếu những năm cuối thập niên 1970 và đầu những năm 1980, những Trần Vũ, Nguyễn Nho Đức, Nguyễn Văn Minh, Phan Ngọc Trung, Văn Phú Nga... một thời lừng danh thì lứa cầu thủ Đà Nẵng kế cận với Trương Văn Lợi, Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Trần Minh Toàn... từng được xem là “thế hệ Vàng”, không chỉ của bóng đá sông Hàn. Bây giờ, nhìn vào đội quân của Lê Huỳnh Đức, ngay cả những cái tên trên băng ghế dự bị như Đoàn Hùng Sơn, Phạm Nguyên Sa, Cao Cường, Hà Minh Tuấn... cũng hoàn toàn có khả năng giành được vị trí chính thức ở không ít CLB chuyên nghiệp khác.

Tính kế thừa và việc xây dựng nền tảng khá căn cơ cho những bước tiến mới chính là sự khác biệt để bóng đá sông Hàn luôn duy trì được vị thế của mình trong làng bóng đá Việt Nam.

Nhà cầm quân Lê Thụy Hải - sau khi rời Đà Nẵng - vẫn không giấu ước muốn quay lại mảnh đất này bởi với ông, “bóng đá Đà Nẵng không thiếu khát vọng cùng môi trường bóng đá thực sự chuyên nghiệp”. Hay một người “ngoại đạo” bóng đá như Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TLT Trần Văn Nghĩa cũng phải thốt lên khi tham quan Làng Bóng đá Tuyên Sơn: “Bóng đá Đà Nẵng có một cơ ngơi quá tuyệt vời mà không một trung tâm bóng đá nào của Việt Nam có được”.

Thực sự tuyệt vời khi sát bên bờ sông Hàn, khu 12 căn biệt thự cao cấp được xây dựng theo phong cách kiến trúc mới dành cho các chuyên gia nước ngoài sừng sững soi mình xuống dòng sông. Phía sau lưng dãy biệt thự này là hai khu nhà ở của VĐV với đầy đủ tiện nghi. Sát lề đường, mặt sân tập được trồng cỏ bermuda xanh rì thường xuyên in dấu giày cầu thủ bóng đá các tuyến tập luyện tại đây.

Cũng giống như ở những thành phố lớn TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, nơi mà tầng lớp thị dân chiếm đa số, những người làm bóng đá ở Đà Nẵng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn VĐV, dù số lượng dân cư ở thành phố xấp xỉ 1 triệu người. Hơn thế nữa, khoảng trống trong công tác đào tạo trẻ của thập niên 1990 càng tăng thêm sự hụt hẫng, nhất là sau khi đội QN-ĐN bị kỷ luật xuống hạng từ mùa bóng 1994-1995.

Trong 5 lần vô địch quốc gia nhưng dưới màu áo SHB Đà Nẵng, thủ môn kỳ cực Võ Văn Hạnh vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc tột cùng.

Mặt khác, ở những thành phố lớn, con đường trở thành VĐV thể thao không bao giờ là lựa chọn hàng đầu mà các bậc phụ huynh muốn con cái của mình hướng theo. Vì thế, nếu chỉ chăm chăm vào nguồn VĐV tại chỗ sẽ khó đào tạo được VĐV giỏi. Nhân lực tại chỗ thiếu, nhưng Đà Nẵng lại có cách riêng để “hút” người về với mình. Đó là chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi nhân tài ở mọi miền đất nước về với Đà Nẵng bằng chính sách đãi ngộ cao và bằng chính sự trân trọng của mình. Không ngẫu nhiên để những tài năng và tên tuổi như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Minh Đức, Giang Thành Thông… chọn Đà Nẵng làm “bến đỗ” cho sự nghiệp dù Bình Định hay Hoàng Anh Gia Lai từng thiết tha mời gọi họ.

“Lực hút” của chế độ đãi ngộ là một chuyện nhưng với bóng đá Đà Nẵng,

yếu tố quyết định để những cầu thủ “nhập cư” quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này chính là ở mối quan hệ rất “người” nơi đây.

Ngay sau thời khắc chính thức ngôi vô địch V-League 2009 trước 3 vòng đấu, nhà cầm quân Lê Huỳnh Đức vẫn cay đắng trong hạnh phúc khi nhớ lại:

- Ngày chia tay bóng đá TP Hồ Chí Minh, tôi phải nuốt nước mắt vào trong vì những oan khuất. Khi chưa biết sẽ đi đâu, về đâu, chú Thanh (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) đã gọi về. Tình nghĩa của vùng đất, con người Đà Nẵng đã giúp tôi được sống lại với bóng đá và đã giữ chân tôi đến hôm nay. Với tôi, Đà Nẵng đã là quê hương thứ hai.

Với trung vệ Trần Hải Lâm, sau khi bị kỷ luật do “sự cố SEA Games 23”, cầu thủ này từng tâm sự: “Sự cưu mang của bóng đá Đà Nẵng với chúng tôi như một cái ơn quá lớn. Vì thế, tôi sẵn sàng phục vụ bóng đá Đà Nẵng mà không cần những điều kiện kèm theo…”.

Hay như việc thủ môn kỳ cựu Võ Văn Hạnh phân vân về tương lai sau V-League 2009 nhanh chóng được giải quyết thỏa đáng. Không chỉ tái ký hợp đồng với thời hạn 2 năm cùng một khoản tiền chuyển nhượng hợp lý, Võ Văn Hạnh còn được tạo điều kiện tối đa để vừa có thể thi đấu, vừa có thể tham gia khóa đào tạo HLV bằng C. Trong một tương lai không xa, khi không còn thi đấu, hẳn thủ môn này chẳng phải băn khoăn về tương lai khi có lẽ, cuộc sống của anh cùng gia đình sẽ gắn bó lâu dài cùng vùng đất và bóng đá sông Hàn.

Giữa bối cảnh bóng đá được định giá bằng tiền, Đà Nẵng vẫn có cách làm mang tính đặc thù. Bởi cái tình, đôi lúc lại thôi thúc con người mạnh mẽ hơn vì không chắc, tiền bạc đủ mang lại một giá trị bền vững, không chỉ trong bóng đá…Và được xây dựng trên nền tảng căn cơ ấy, với bóng đá Đà Nẵng, hẳn sẽ không chỉ có một ngày hái quả...

Bảo An

 

;
.
.
.
.
.