.

Nhật Thanh và những khát vọng...

.

“Ăn cơm” tuyển hơn 7 năm và có trong tay 10 HCV, 3 HCB giải Vô địch quốc gia cả 2 nội dung nhảy xa và nhảy 3 bước nữ cùng HCĐ SEA Games 22 nhảy 3 bước, nhưng với Bùi Thị Nhật Thanh, khát vọng dường như bất tận. Cũng lạ lắm, dù đang bước vào tuổi 30, nhưng khi nói đến giải đấu cuối cùng với tư cách VĐV tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), “cô gái Vàng” của Thể thao Đà Nẵng sôi nổi hẳn:

Với Nhật Thanh, khát vọng giành chiến thắng trở thành động lực để Nhật Thanh vươn đến những thành tích mới.
- Thời gian qua, em không có được những thông tin về các đối thủ chủ yếu, nên hy vọng tranh chấp vẫn là 5/5. Kết quả cuối cùng tùy thuộc vào sự chuẩn bị của mỗi VĐV và dù chỉ được giao chỉ tiêu giành 1 HCV song em sẽ cố gắng tối đa để có thể hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Thực ra, cũng chẳng quá khó hiểu về một đam mê cứ bừng dậy trong cô gái này.

Xuất phát từ các giải thể thao học đường, Nhật Thanh nhanh chóng chinh phục các HLV với thành tích HCV… nhảy cao Hội khỏe Phù Đổng QN-ĐN 1996 để được tuyển vào tổ cự ly trung bình ở nội dung 400 mét! Và cũng trong năm đó, cô học sinh cấp 2 Hòa Phước có những bước đầu tiên ở đội tuyển Trẻ quốc gia. Không lâu sau, Bùi Thị Nhật Thanh đã giành tấm HCĐ Vô địch quốc gia 2000 trên hố nhảy xa và sau đó là tấm HCB tại giải Vô địch quốc gia 2001. Từ năm 2002 đến 2009, cô gái này gần như thống trị tuyệt đối cả 2 nội dung nhảy xa và nhảy 3 bước nữ. Ngoại trừ năm 2007, do phải tập trung toàn bộ cho chương trình Đại học TDTT bởi trước đó, cô đã… thiếu nợ nhà trường do tập trung làm nhiệm vụ quốc gia nên Nhật Thanh không có được những danh hiệu ở mùa thi đấu này.

Từ một “cuộc chơi” theo kiểu phong trào ban đầu, dần dà, điền kinh như một hấp lực cứ cuốn hút Nhật Thanh khiến “một ngày không ra sân, lại nhớ”, như cô thổ lộ. Rồi, cái đam mê ấy khiến Nhật Thanh - cùng những VĐV nữ khác - quên bẵng đi việc phải giữ gìn vóc dáng dịu dàng, làn da trắng nuột, mái tóc mượt mà của những cô gái đang thì. Cho nên, dù “cũng có những lúc mặc cảm vì thiếu đi nét đẹp của con gái, hay không được xem trọng do là VĐV” nhưng rồi Nhật Thanh - cùng các đồng nghiệp nữ - đã nhanh chóng gạt bỏ suy nghĩ ấy. Bởi không chỉ là vinh quang cá nhân mà trong từng chiến công giành được, Nhật Thanh đã tìm thấy hạnh phúc và không ít tự hào khi đóng góp một phần công sức cho thành công chung của Thể thao Đà Nẵng.

Vì thế, dù với thu nhập “vào loại khá” của Trung tâm HL-ĐT VĐV - khi từ tháng 4-2009, Nhật Thanh còn được phân công huấn luyện - song khá “bèo và vén khéo để chỉ có dư chừng 1 triệu đồng/tháng nhưng cô gái ấy vẫn mặc nhiên chấp nhận. Bởi, “thể thao đã cho em nhiều khi được mở rộng quan hệ, được đi đây đi đó và được đóng góp cho Tổ quốc, cho quê hương nên dù làm lại, em vẫn chọn thể thao” như khẳng định của Nhật Thanh.

Chẳng ai nghi ngờ cô gái ấy khi năm 2006, tuy đã có ý định giã từ thi đấu, tập trung cho việc học đại học trước khi chuyển hẳn sang công tác huấn luyện nhưng trước yêu cầu của bộ môn, của Trung tâm HL-ĐT VĐV, cùng với mục tiêu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, Nhật Thanh đã gạt bỏ tất cả những tính toán riêng tư để nỗ lực lần cuối cùng cho mục tiêu Vàng.

- Giả sử, dù vượt qua thông số kỹ thuật đề ra nhưng không gặt hái được HCV, em vẫn hài lòng khi đã vượt qua được chính mình. Nếu các VĐV khác xuất sắc hơn, em chấp nhận là người thua cuộc và xin chúc mừng thắng lợi của các bạn - Nhật Thanh đã giải bày như thế trước khi chia tay. Nhưng trong ánh mắt của cô gái ấy, vẫn ánh lên một niềm tin mãnh liệt. Bởi khi đã có niềm tin và biết vượt lên chính mình, hẳn con đường đến thành công cũng đã rất gần...

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.