.

Làm thuê

.

1- Sau chuyện bạo lực sân cỏ, chuyện trọng tài bị cầu thủ nhục mạ ngay trước đám đông khán giả, chuyện trọng tài bỗng dưng rời sân với khuôn mặt đầm đìa máu trong lúc can gián một pha xô xát giữa các cầu thủ, V- League bỗng sôi động đình đám với sự kiện huấn luyện viên mất việc hoặc đứng trước nguy cơ không còn được tin dùng. Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất lúc này là Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải.

HLV Mai Đức Chung giã từ CLB Bình Dương

Người đầu vừa giã từ chiếc ghế huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ Bình Dương, người sau thì vội vã lên tiếng phủ nhận chuyện mình bị buộc phải rời ghế cầm quân ở câu lạc bộ Ninh Bình sau khi tin đồn như thế được tung ra. Trước đó, không ít chuyên gia bóng đá tiếng tăm khác cũng sống trong những ngày sóng gió vì phong độ thất thường của học trò và biểu đồ đi xuống của đội bóng.

Như một thuộc tính của bóng đá chuyên nghiệp, chuyện bổ nhiệm và sa thải huấn luyện viên trở thành bình thường trong đời sống sân cỏ nhiều nền bóng đá tiên tiến và ít tạo nên các cú sốc lớn, ngoại trừ vài trường hợp chơi ngông của các chủ câu lạc bộ thích tạo dấu ấn qua đồng tiền. Bên cạnh các cuộc ra đi của nhiều vị thuyền trưởng như một giải pháp tất yếu cứu vãn tình thế, V- League từng chứng kiến nhiều cuộc thay ngựa giữa dòng để lại tiếc nuối, gợi nhiều tò mò cho công chúng như thể họ đang chứng kiến một nỗi oan khuất. Môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thương hiệu đã khiến công chúng bóng đá Việt Nam quen dần với những quyết định thay đổi huấn luyện viên trưởng. Trong sâu xa, không ít người nhìn ngắm các sự kiện này qua mắt nhìn chiêm nghiệm với câu hỏi chưa có lời đáp: Sức mạnh tài chính liệu có giúp các câu lạc bộ giành được thành quả thể thao, đồng tiền có đủ sức mang về ngôi vô địch?

2- Có phần chua chát khi phải rời chiếc ghế huấn luyện ở đội Bình Dương, ông Mai Đức Chung nói rằng ông chấp nhận thực tế ấy vì mình chỉ là… người làm thuê. Phải chăng ông muốn nói rằng đã là người làm thuê thì phải chiều theo ý chủ, phải chấp nhận để số phận mình bồng bênh theo các phán xét đôi lúc được ban ra vì dăm phút buồn vui của những người trả lương cho mình? Nếu đúng vậy thì bi thiết và thụ động quá, chẳng phảng phất bóng hình một Mai Đức Chung đường đường chính chính là Trưởng bộ môn bóng đá của Tổng cục Thể dục-thể thao!

Có thể không ít khán giả sẽ xót xa vì suy nghĩ này của một nhân vật nhiều công trạng với bóng đá như ông Chung. Đến với Bình Dương - hoặc có thể sau này đến với một câu lạc bộ nào khác - chuyên gia bóng đá có tâm huyết và nhiều hoài bão này chỉ nghĩ đến chuyện đừng làm thất vọng những người bỏ tiền thuê mình thôi sao? Đâu rồi khát vọng góp phần vì một nền bóng đá phát triển để theo kịp bạn bè, đâu rồi các ý tưởng cách tân mà con người từng dẫn dắt các đội tuyển bóng đá quốc gia này hướng đến? Bận bịu công việc của một “người làm thuê”, tối tăm mày mặt với bao thủ pháp, kỹ xảo nhằm giữ chỗ làm - cũng là duy trì nồi cơm của bản thân và gia đình - chuyên gia bóng đá nào có đủ tâm huyết và sức lực góp phần thiết thực cho tương lai cả nền bóng đá?

Thuyền trưởng luôn nghĩ mình chỉ là kẻ làm thuê thì không thể nào đòi hỏi các tay chèo xác định chỗ đứng của mình ở vị trí người làm chủ. Ông Chung rõ là cô đơn biết mấy - cô đơn ngay trong lòng một tập thể ngày ngày đòi hỏi đồng tâm hiệp lực hướng về phía trước!

TƯỜNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.