.

Nước mắt xưa, nụ cười nay

.

Nếu có một giải thưởng tôn vinh hiệu quả sáng tạo trong điều lệ thể thao thì giải thưởng ấy nên một lần được trao cho người nghĩ ra việc xác định giá trị bàn thắng trên sân khách so với bàn thắng trên sân nhà ở thể thức thi đấu các cúp bóng đá châu Âu. Sáng tạo này làm nên biết bao điều lý thú, kỳ diệu cho những cuộc thư hùng một mất một còn, khơi nguồn cho nhiều pha rượt đuổi ngoạn mục và sản sinh cơ man nào là kịch tính. Ở khía cạnh tinh thần, việc xác định giá trị bàn thắng trên sân đối phương đã góp phần trực tiếp thúc đẩy khát vọng không đầu hàng để chiến đấu đến cùng khi bóng vẫn còn lăn.

Rooney đã trở lại thi đấu nhưng MU vẫn bị loại do luật bàn thắng sân khách. Ảnh tư liệu 

Rạng sáng 8-4 (giờ Việt Nam), thêm một lần sân cỏ danh giá nhất châu Âu Champions League giới thiệu tính hấp dẫn ưu việt của thể thức thi đấu này, trong đó bàn thắng trên sân khách giữ vai trò then chốt giúp một đội tưởng như tuyệt vọng bỗng chốc hóa thành người chiến thắng cuối cùng: Trận lượt về vòng tứ kết giữa Manchester United và Bayern Munich với người khóc hận là chủ nhà M.U còn kẻ ca khúc khải hoàn là đội bóng của Louis Van Gaal.

Trận chiến giữa hai câu lạc bộ này luôn để lại dấu ấn cảm hứng. Năm 1999 ở trận chung kết trên sân Nou Camp là chiến thắng trong 90 giây cuối của M.U vào lúc đối thủ của họ tưởng đã cầm chắc chiếc cúp trong tay. Năm 2010, ở trận lượt đi là chiến thắng mang hơi hướng vay - trả trên sân Đức khi chân sút Olic cũng ghi bàn ngay trước tiếng còi tan trận. Kịch tính hơn cả có lẽ là trận lượt về: M.U dù đã dẫn trước đối phương đến 3 bàn trắng sau những pha áp đảo cấp tập đến hoa mắt vẫn phải trắng tay vì họ đã để cho đối phương kịp ghi đến 2 bàn. Tính chung cả hai lượt đi - về, mỗi đội có một trận thắng, một trận thua, số bàn thắng cũng bằng nhau (4-4) nhưng đại diện Đức là đội giành chiến thắng cuối cùng nhờ ghi được 2 bàn thắng trên sân đối phương so với 1 bàn của M.U ghi trên đất Đức.

Ít người nghĩ rằng một đội dày dạn như M.U lại ngã ngựa khi đã dẫn trước đối phương những 3 bàn. Nhưng bước ngoặt của trận đấu xảy ra khi Olic kịp thu ngắn cách biệt xuống còn 1-3 trước giờ nghỉ giữa hai hiệp và sau đó là chiếc thẻ vàng thứ hai của hậu vệ Rafael buộc M.U phải thi đấu thiếu người. Nếu pha ghi bàn của Olic thắp lên hy vọng lật ngược tình thế (B.M chỉ cần ghi thêm một bàn) thì việc M.U phải thi đấu trong cảnh thiếu người trong cơn phản kích ào ạt của đối phương tạo ra ưu thế rõ rệt về thế trận và tâm lý cho đội khách. Và điều mong đợi của người Đức rồi cũng đến. Cái chân trái của Robben vung ra quyết đoán từ pha đá phạt góc của Ribery đưa bóng đi như kẻ chỉ vào góc lưới làm bó tay người đồng hương bên kia màu áo Van Der Sar. Có thể đây là một trong những bàn thắng đẹp nhất của Champions League năm nay cho đến lúc này.

Chấm hết với đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh! Định mệnh có vẻ linh hiển, phảng phất bóng dáng vay - trả. 11 năm trước, những con “quỷ đỏ” rạng rỡ niềm vui bên nước mắt đầm đìa của những Matthaus, Kahn, bây giờ, người Đức giương cờ chiến thắng ngay thảm xanh nhà hát của những giấc mơ, tiễn biệt M.U đến bờ vực một mùa giải trắng tay.

Có người cho rằng M.U sớm chủ quan. Bằng chứng khinh suất rõ nhất hiện trên nét mặt ra chiều mãn nguyện của Ferguson, trên cách lối huấn luyện viên này chỉ bước vào sân khi mà hiệp nhì đã trôi qua gần 2 phút. Ông không hề biết đối thủ của ông đã tung vào sân chân sút nhạy cảm Gomez để có thể ban ra các chỉ thị điều chỉnh kịp thời cho hàng thủ. Tư tưởng lạc quan sớm ấy phải chăng lan sang cậu học trò trẻ Rafael khiến hậu vệ này quên khuấy là mình đã từng nhận thẻ vàng trong hiệp một nên mới ngang nhiên đốn ngã đối phương để phải rời sân?

Tường Phước

;
.
.
.
.
.