.

Sân cỏ phẳng

.

Cuộc rượt đuổi tỷ số ngoạn mục trên sân Chi Lăng chiều 12-5 ở vòng 1/8 AFC Cup giữa Đà Nẵng và Bình Dương trở thành một cột mốc hấp dẫn đáng nhớ của bóng đá Việt Nam.

Merlo và SHB ĐN chiều 12-5 đã đòi đủ cả vốn và lời trước Bình Dương. Ảnh tư liệu.

Trong thế cạnh tranh một mất một còn, hai đại biểu hàng đầu của làng bóng nước nhà đã dốc hết tâm sức tạo nên một trận cầu có chất lượng, xứng đáng được xếp vào tầm mức của sân chơi châu lục cấp câu lạc bộ. Tài năng và ý chí của các cầu thủ trên thực tế đã góp phần biến cuộc đọ sức đầu tiên giữa hai câu lạc bộ bóng đá Việt Nam tại một vòng đấu loại trực tiếp ở sân chơi này trở thành bữa tiệc thịnh soạn nhiều xúc cảm.

Không chỉ vì bữa tiệc có đến 7 bàn thắng và hầu như bàn nào cũng đẹp, khán giả dường như còn cảm kích vì một thông điệp phát ra từ cuộc tranh tài này: Với tinh thần, sức mạnh và thái độ cống hiến ấy của cầu thủ, sân chơi đỉnh cao của châu lục không còn xa xôi, cách trở đối với bóng đá Việt Nam. Ước mơ một ngày bóng đá Việt Nam với tay đến một danh hiệu tầm cỡ châu lục không còn quá xa vời và việc các câu lạc bộ Việt Nam tranh tài ở các sân chơi này đâu còn chỉ để học hỏi hoặc cho “có chị có em” ( vì suy nghĩ này mà nhiều câu lạc bộ chấp nhận hình phạt để bỏ cuộc giữa chừng hoặc thi đấu với thái độ cầm chừng). Và dù con đường tìm đến vinh quang ở một giải đấu cấp châu lục không bao giờ dễ đi, danh hiệu của sân chơi này vốn hiếm hoi, cao quý thì từ bây giờ, bằng những gì mà Bình Dương và Đà Nẵng vừa giới thiệu qua cuộc tranh tài mới nhất, người hâm mộ vẫn có đủ tin yêu để hào hứng dõi theo bước chân của các đại diện bóng đá nước nhà trên các đấu trường danh giá.

Thế giới phẳng bóng đá ngày càng giới thiệu nhiều dấu ấn xúc cảm đề cao ý thức tự vượt các rào cản, tinh thần học hỏi không ngừng nhằm tiếp cận các giá trị tiên tiến vốn xuất hiện ngồn ngộn trong đời sống sân cỏ năm châu. Ở đó, ngày càng hiển hiện những cầu thủ thành danh từ bóng tối qua những sân bóng đường phố, những câu lạc bộ đi lên từ nỗ lực xóa bỏ mặc cảm nhược tiểu và sau quá trình trải nghiệm đủ thứ khó khăn, nghịch cảnh. Ở đó, ngày càng sống động các bài học về tình tự sắc áo màu cờ hay những trả giá cho sự thờ ơ coi thường tình cảm, khát vọng chân chính của người hâm mộ.

Chưa lột tả trọn vẹn chân dung làng bóng nước nhà sau hơn mười năm làm quen với quá trình chuyên nghiệp hóa nhưng bản thân hình ảnh của hai câu lạc bộ vừa cống hiến cuộc tranh tài có chất lượng ở AFC Cup gói ghém một số chi tiết giàu cảm hứng. Đừng quên rằng cách đây không lâu, họ chỉ là những làng bóng tỉnh lẻ bên cạnh cái bóng cao to của hai trung tâm bóng đá lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Vào thời huy hoàng của những tên tuổi Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Thể Công, Công an Hà Nội, có lúc cả Bình Dương lẫn Đà Nẵng (lúc bấy giờ là Quảng Nam-Đà Nẵng) hãy còn lận đận ở hạng A 2 vì bị kỷ luật xuống hạng…

Bây giờ, vào lúc cả Bình Dương và Đà Nẵng thăng hoa ở V-League và bay bổng ở sân chơi cấp châu lục, oái oăm thay, trung tâm bóng đá TP. Hồ Chí Minh lại rơi vào khủng hoảng với cả hai đại diện của thành phố này đều đứng trước nguy cơ xuống hạng do thi đấu trầy trật, nội tình bất ổn. Quả là sân cỏ nhiều bất trắc, đường đi của trái bóng vô lường. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ vậy mà sân cỏ ngày càng hấp dẫn. Đã tới lúc, dù trên cấp độ nào, ở sân chơi cấp phường hay các cuộc tranh tài cấp châu lục, sân cỏ luôn đòi hỏi trí lực và tâm huyết của cả cộng đồng. Và không chỉ cầu thủ mà cả các nhà quản lý, điều hành cũng phải luôn trong tư thế vào trận.

TƯỜNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.