.

Sang như... SHB Đà Nẵng!

.

Khi được hỏi về những gương mặt trẻ như Võ Hoàng Quãng, Trần Văn Học, Phạm Nguyên Sa, Đoàn Hùng Sơn hay Phan Thanh Hưng, Cao Cường… vừa được chuyển lên từ đội hình vô địch U-21, HLV Lê Huỳnh Đức cho biết: “Các cầu thủ trẻ đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Đáng mừng khi các cầu thủ SHB Đà Nẵng cùng có khát vọng và chúng tôi mong muốn tất cả đều tiến bộ, để Ban huấn luyện có nhiều hơn những sự lựa chọn”.

Đoàn Hùng Sơn (trái), một trong những cầu thủ trẻ từng bước trưởng thành khi được trao cơ hội. 

Và trong số những cầu thủ trẻ này, không ít người hoàn toàn có thể chiếm được vị trí chính thức tại các CLB Chuyên nghiệp khác, nếu không ở SHB Đà Nẵng.

Không có nhiều cơ hội, nhưng hầu như khi được ra sân, Đoàn Hùng Sơn vẫn được Lê Huỳnh Đức tin dùng. Trong một chừng mực, Phạm Nguyên Sa cũng thể hiện được mình. Trong khi đó, Hoàng Quãng và Văn Học được xem là những thay thế tương đối cho các đàn anh Quang Cường và Quốc Thanh. Cao Cường đang có một sự khởi đầu không thể hoàn hảo hơn khi Hải Lâm vắng mặt. Đặc biệt, Phan Thanh Hưng đã trưởng thành nhanh hơn dự kiến và đảm đương được vị trí của Hồng Minh để lại. Chưa kể đến các trường hợp hậu vệ Hữu Hùng, thủ môn Xuân Nam được bổ sung cho đội hạng nhất Quảng Nam cùng tiền đạo Văn Quân đang khoác áo Hà Nội T&T.

Tưởng chừng bóng đá Đà Nẵng… sang đến thế nhưng nếu nhìn vào những trụ cột, càng thấy SHB Đà Nẵng còn… chơi sang hơn nhiều! Có người nói vui: “SHB Đà Nẵng sang nhất trong làng bóng đá Việt Nam khi một thủ môn đội tuyển quốc gia như Trần Đức Cường vẫn chỉ đóng vai dự bị”. Rồi còn Hải Lâm, không khéo lại mất suất đá chính vào tay đàn em Cao Cường như Hùng Dũng từng bị Phước Vĩnh “đá văng” lên băng ghế dự bị từ V-League 2006.

Thực ra, SHB Đà Nẵng chẳng… sang đến mức không sử dụng hoặc bỏ phí những tài năng trẻ.

Dù chưa đáp ứng tuyệt đối các yêu cầu chuyên môn, nhưng chính sự tiến bộ đồng loạt của các cầu thủ trẻ đã phần nào giúp Ban huấn luyện SHB Đà Nẵng có nhiều hơn những lựa chọn trong xây dựng đội hình, đấu pháp. Đặc biệt, lịch thi đấu dày đặc trên cả 3 mặt trận từ đầu mùa sẽ là trở ngại không thể vượt qua nếu trong tay Lê Huỳnh Đức không có một lực lượng đủ dày và tương đối đồng đều; qua đó, mới có thể áp dụng chính sách xoay vòng nhằm bảo đảm thành tích ở các mặt trận.

Dĩ nhiên, sự thiếu vắng những trụ cột - như từng xảy ra với Merlo, Rogerio, Hải Lâm - khiến Lê Huỳnh Đức gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có những cầu thủ dự bị tương xứng và có khả năng hòa nhập tốt như Nguyên Sa, Hùng Sơn, Cao Cường, Văn Học, Đức Cường…, khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. 

Vẫn còn nhiều những thách thức mới mở ra cho Lê Huỳnh Đức, để nhà cầm quân này thể hiện tài năng xoay vòng cầu thủ khá thành công ở giai đoạn mở màn. Và với lực lượng đang có cùng kinh nghiệm đã tích lũy được, hy vọng Lê Huỳnh Đức sẽ đưa SHB Đà Nẵng giành được một kết quả khả quan ngay trong giai đoạn khó khăn nhất ở mùa giải này...

BẢO AN

;
.
.
.
.
.