.

Của niềm vui, lòng tự hào

.

Các dòng kênh chảy xuyên thành phố, các trục đường nội thị lẫn ngoại ô tràn ngập sắc màu và âm thanh trong lễ hội có một không hai từ trước đến nay đón mừng đội tuyển Hà Lan với ngôi Á quân thế giới trở về. Cả thành phố Amsterdam biến thành biển da cam rực rỡ với không dưới nửa triệu người cùng xuống đường và hòa mình trong tiệc hội nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

Amsterdam ngập màu cam. (Ảnh tư liệu)

Sau nỗi buồn bại trận, người Hà Lan vẫn còn đủ hào hứng để bước vào tiệc hội của niềm vui và lòng tự hào. Nói như một người dân ở Amsterdam, các tuyển thủ của họ xứng đáng được tôn vinh vì đã mang vinh quang về cho đất nước dù chỉ là ngôi á quân chứ không phải chức vô địch thế giới. Những Robben, Van Bronckhost xứng đáng anh hùng của đất nước họ sau cuộc thư hùng thấm đượm “máu, mồ hôi, nước mắt” như tựa đề một bản dân ca Hà Lan được cả Amsterdam có lúc cao giọng cất vang…

Tiệc hội của người Hà Lan diễn ra gần như đồng thời với cảnh đón chào và tôn vinh mà cả thủ đô Madrid và các thành phố lớn ở Tây Ban Nha dành cho các nhà tân vô địch thế giới. Cả vua Juan Carlos lẫn Thủ tướng Zapatero đều nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng và tác động từ chiến thắng lịch sử của đội tuyển là góp phần gắn kết một Tây Ban Nha hãy còn tiềm tàng bao mối nguy chia rẽ, cục bộ. Vinh quang sân cỏ có giá trị như một liều thuốc xoa dịu nỗi lo của một đất nước có tỉ lệ người thất nghiệp đến 20%, cao nhất trong khu vực 16 quốc gia dùng chung đồng Euro.
 
Chẳng biết rồi đây xứ sở của các trận đấu bò tót có thoát khỏi các khó khăn về kinh tế- xã hội nhưng rõ ràng chiến thắng trên sân cỏ đang được kỳ vọng sẽ nối kết hàng triệu người Tây Ban Nha bên nhau trong niềm vui và lòng tự hào để hăng hái, đồng lòng vượt qua thách thức. AS, một nhật báo hàng đầu của Tây Ban Nha, so sánh chiến công của đội tuyển như “ghi một bàn thắng trọng đại nhất trong lịch sử đất nước”. Nếu không liên hệ với những gian truân mà xã hội Tây Ban Nha sắp phải đương đầu và hy vọng vào sức mạnh tinh thần mà ngôi quán quân thế giới mang lại, người ta sẽ không đánh giá cao như thế về một thành tựu thể thao!

Sự hào hứng không dành riêng cho những người chiến thắng. Bằng việc hoàn tất sứ mạng của người bày cuộc vui, đất nước Nam Phi cũng tự hào khẳng định với năm châu bốn bể năng lực và thịnh tình của không riêng một đất nước, một dân tộc mà là của cả lục địa đen trong việc đăng cai, điều hành vận hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Lần đầu tiên tại một World Cup, đội tuyển của nước chủ nhà bị loại khỏi cuộc tranh tài ngay từ vòng đấu bảng nhưng không vì thế mà tiệc hội Nam Phi đánh mất niềm vui, không vì thế mà các sân cỏ thiếu vắng sắc màu lễ hội và tiếng kèn vuvuzela độc đáo. Phẩm chất này của người Nam Phi cung cấp cho thế giới bóng đá một bài học quý và người ta giật mình tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu đội chủ nhà bị đứng bên lề quá sớm ấy là một đại biểu được kỳ vọng và gửi gắm thật nhiều?

Liệu sự hào hứng có tiếp tục tuôn chảy, các sân bóng có trở thành ngày hội nếu như chẳng may trong vòng chung kết World Cup sắp tới ở Brazil, đội chủ nhà vàng- xanh rơi vào số phận hẩm hiu của chủ nhà Nam Phi- chuyện động trời nhưng không phải không thể xảy ra trong bóng đá? Lúc ấy, người Brazil năm lần quán quân thế giới có đủ bản lĩnh xua tan nỗi đau và sự cao ngạo để hồn nhiên bày tiếp cuộc vui cho tha nhân ngay trên xứ sở mình? Hình dung như vậy mới thấy hết tính cách cao thượng của chủ nhà vòng chung kết World Cup vừa kết thúc.

Nếu người Tây Ban Nha xem ngôi vô địch thế giới như một chiến công lịch sử, người Hà Lan dùng thất bại trong trận chung kết để nhắc nhở thế hệ sau mạnh mẽ hướng về phía trước thì người Nam Phi, bằng tiệc hội hoành tráng vừa khép lại, cũng tự hào nhận ra họ vừa ghi được một bàn thắng lộng lẫy, đẹp ngời: Bàn thắng ấy âm vang tiếng kèn lạ tai, rực rỡ sắc màu lễ hội, hồn nhiên tính cách zulu và êm ái nụ cười Mandela…

Đình Xê

 

;
.
.
.
.
.