.

London 2012 - cuộc chạy đua nước rút

.

Chính phủ Anh đã triển khai rộng rãi nhiều biện pháp để ngăn chặn bội chi ngân sách; trong đó, có cả việc cắt giảm nguồn kinh phí cấp cho Olympic. Tuy nhiên, Cơ quan Điều hành Olympic London 2012 (ODA) cho biết, họ sẽ chủ động tiết kiệm và chỉ riêng chi phí cho các môn thi đấu, ước tính đã giảm từ 6 triệu đến 9,3 triệu bảng. Những khoản tiết kiệm nói chung lên đến 50 triệu bảng - chưa tính thuế - và góp phần tăng thêm nguồn bảo hiểm quốc gia.

Với mục tiêu Olympic cho tất cả, trẻ em Anh quốc đã được làm quen với Mascot của London 2012...

Bộ trưởng Thể thao Hugh Roberston nói: “Vẫn còn 2 năm để chào đón giải đấu và với hơn 2/3 các công trình đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, chúng tôi đang cảm thấy rất tuyệt vời”.

Gắn với mục tiêu tiết kiệm tối đa ngân sách chính phủ, Ủy ban Olympic Anh quốc đã đặt yêu cầu xây dựng Làng Olympic và sân vận động Olympic trên cơ sở cải tạo khu đất công nghiệp bỏ hoang thành một đô thị, có thể sử dụng sau khi London 2012 bế mạc, trên tinh thần “Biến đất hoang thành vùng đất kỳ diệu - Turn wasteland into wonderland”.

Thế nhưng, bên cạnh sự ghi nhận những nỗ lực của ODA, vẫn có những ý kiến khác nhau.

Khi công viên Hoàng gia Greenwich (đông nam London) được chọn làm địa điểm đua ngựa, không ít người dân địa phương lo ngại, giải đấu có thể làm hỏng bãi cỏ đẹp và cảnh quan cổ kính dưới đài Thiên văn Hoàng gia và bên cạnh Học viện Hải quân. Tuy nhiên, Ban tổ chức cam kết không để cảnh quan bị ảnh hưởng. Hơn nữa, môn đua ngựa London 2012 sẽ tạo một dấu ấn lịch sử khi diễn ra tại công viên Greenwich, nơi có các cây sồi được xem là thuộc về Nữ Hoàng hiện tại.

Khi so sánh với Olympic London 1948, đã có những tranh luận về lợi ích của London và toàn nước Anh khi đăng cai Olympic.

Tại Olympic 1948, Anh quốc chi chừng 730.000 bảng, so với ước tính là 7,267 tỷ bảng năm 2012. Khi đó, nhiều vùng của London bị tàn phá bởi Thế chiến thứ 2 và một số VĐV đến thi đấu phải trọ trong trường học. Thậm chí, các quốc gia tham gia phải đóng góp thực phẩm vì Anh quốc thiếu thức ăn và chế độ sử dụng tem phiếu vẫn còn.

Sân vận động Olympic đang gấp rút hoàn thiện, dù còn 2 năm nữa, London 2012 mới chính thức khai mạc.

Thị trưởng London Boris Johnson nói với Hội đồng thành phố rằng, ông sẽ vận động để bảo đảm an ninh và an toàn cho London 2012 với khoảng 25-40% ngân sách của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ông cũng đang đấu tranh với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về  thời gian tiến hành cuộc thi marathon và triathlon khi mong muốn các cuộc thi này diễn ra vào ngày cuối tuần: “Tôi nghĩ rằng, mọi người dân London đều muốn được xem càng nhiều càng tốt các cuộc thi đấu vào thời điểm thích hợp hơn là các giải đấu diễn ra khi họ bận làm việc”.

Toàn bộ chương trình Olympic sẽ diễn ra từ ngày 27-7 đến 12-8-2012. Thời gian này, sẽ có 46 nội dung thi đấu điền kinh được tiến hành; trong đó, các cuộc thi chung kết diễn ra khoảng 10 ngày, bao gồm 2 ngày cuối tuần. Điều phối viên IOC Denis Oswald khẳng định: “Chúng tôi phải sử dụng một số con đường để tổ chức một số sự kiện. Ngoài ra, cũng phải tính đến sự cân bằng trong khâu tổ chức. Vì thế, cần phải kết nối tất cả để tìm ra giải pháp tốt nhất. Nhưng cũng không nên quên rằng, London 2012 không chỉ cho người dân London mà còn cho cả thế giới”.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.