.

V-League hấp dẫn?

.

Một công ty tiếp thị truyền thông hoạt động trong lĩnh vực thể thao vừa bắn tiếng là họ đang có ý định mua bản quyền truyền hình toàn bộ các cuộc tranh tài ở V-League trong vòng 20 năm, kể từ bây giờ.
 

Giải đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam hấp dẫn và hứa hẹn đến các nhà kinh doanh thể thao? (Ảnh tư liệu)

Những cuộc đàm phán không chính thức nghe nói đã được tiến hành, quy mô giá trị cùng những hứa hẹn liên quan đến dự án này vì thế đã lọt ra ngoài dư luận xã hội. Theo đó, các nhà lãnh đạo VFF - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - tỏ ra phấn khích trước tin này song không ít vị còn phân vân, lúng túng về giá cả. Họ e rằng nếu không tính toán kỹ thì có nguy cơ mình bị “hớ” vì đây là chuyện liên quan đến việc thẩm định một giải đấu mà giá trị của nó kéo dài đến những hàng chục năm.

Giải đấu đỉnh cao của bóng đá Việt Nam hấp dẫn và hứa hẹn đến độ các nhà kinh doanh thể thao đã nhìn thấy sức cuốn hút của nó ngay từ lúc nó chưa phát được tín hiệu nào về chất lôi cuốn, hấp dẫn đối với công chúng? Nếu dự định của công ty kia - một công ty trong nước - là có thật, các tính toán của họ là nghiêm túc thì đây là một tin vui làm nức lòng những ai tâm huyết với nền bóng đá nước nhà. Tầm nhìn xa trông rộng của các nhà kinh doanh có thể đang gây bất ngờ thú vị cho không ít người vốn chưa thể lạc quan về tương lai phát triển của bóng đá, góp phần xua tan đi bao lo âu nghi ngại về tiền đồ của một giải đấu còn quá nhiều tỳ vết về tính chưa chuyên nghiệp, về sự vụng về trong cách điều hành quản lý lẫn chất lượng tranh tài.

Đúng là không thể không lo ngại về năng lực điều hành, chất lượng tranh tài lẫn tính hấp dẫn của giải đấu lớn nhất Việt Nam dù giải đấu này đã trải qua không dưới 10 năm chuyên nghiệp. Mùa bóng 2010 sắp kết thúc trong nỗi thờ ơ, hờ hững của công chúng, biểu hiện qua cảnh thưa thớt, trống vắng trên các khán đài. Không giống với kỳ vọng trước lúc khai cuộc về một mùa giải lành mạnh, chân thực hướng đến chất lượng tranh tài nhằm góp phần nâng chất cả nền bóng đá, V-League lần này vẫn còn trì nặng trong thân thể nó bao căn bệnh lưu cữu, vẫn không thể gột sạch bao tỳ vết vốn cướp đi rất nhiều niềm tin của công chúng.

Trọng tài non yếu kinh nghiệm, bản lĩnh; bóng ma đi đêm móc ngoặt lồ lộ; thái độ ăn thua cay cú dẫn đến hành vi thiếu văn hóa, lối ứng xử không chuyên nghiệp với đối thủ lẫn với khán giả; nạn quậy phá trên các khán đài trong ánh mắt nuông chiều bất lực của ban tổ chức; các án phạt theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ”; những trận đấu thiếu động lực dẫn đến cả mùa giải thiếu khát vọng… tất cả vẫn còn đó, khác gì bao mùa giải trước. Tìm đâu ra những trận đỉnh cao mà tài nghệ, ý chí và tinh thần tranh tài của cầu thủ khơi gợi cảm hứng khán giả, tìm đâu ra những cuộc chạy đua về đích cật lực, nóng bỏng nhưng lành mạnh, trong sáng, giàu tinh thần thượng võ giữa các đội! Cũng thiếu vắng quá chừng những phán quan sân cỏ giàu tâm huyết, đầy bản lĩnh vì mục tiêu trên hết của bóng đá chứ không vì chiếc ghế “ngồi mát ăn bát vàng”, vắng thật rồi những nhà tổ chức, điều hành xông pha trận mạc biết nhận lãnh trách nhiệm… Sân cỏ V- League cho đến mùa chuyên nghiệp thứ 11 vẫn chưa phát được tín hiệu khởi sắc có thể vực dậy niềm tin trong công chúng để hứa hẹn mời gọi khán giả đến với mình.

Thế cho nên dự án mua bản quyền V- League của doanh nghiệp kia khác nào tiếng phèng la hứa hẹn mưa rào giữa ngày nắng hạn. Với nửa phần hào hứng, nửa phần ngờ vực, công chúng chờ đợi cuộc thương thảo đáng đồng tiền bát gạo kia diễn ra nghiêm chỉnh để nguồn tài chính dành cho kế hoạch phát triển bóng đá Việt Nam thêm phong phú. Mong lắm thay đây không phải là một thủ pháp đánh lừa công chúng chỉ nhằm đề cao thương hiệu, đánh bóng uy danh!

Tường Phước

 

;
.
.
.
.
.