Lần đầu tiên sau 16 năm, cầu lông Đà Nẵng lại có huy chương ở giải vô địch cá nhân toàn quốc. Và lần này cũng là chiếc huy chương đồng cùng danh hiệu Kiện tướng cho tay vợt Nguyễn Thùy Linh.
Từ chiếc HCĐ của Thùy Linh, cầu lông Đà Nẵng cần có những chuyển biến tích cực hơn để những thành công hôm nay không sớm thành quá khứ. |
Tại giải Vô địch cầu lông thiếu niên toàn quốc, các tay vợt Đà Nẵng giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ cùng vị trí thứ hai toàn đoàn. Cũng với vị trí thứ hai toàn đoàn, đoàn VĐV Đà Nẵng giành thêm 3 HCV ở giải Vô địch cầu lông trẻ toàn quốc. Không những thế, tại giải Vô địch cầu lông các cây vợt trẻ xuất sắc, cầu lông Đà Nẵng tiếp tục khẳng định được vị thế của mình với vị trí thứ nhất toàn đoàn khi đoạt 6 HCV, 2 HCB.
Đây là thành quả của quá trình phấn đấu trong những năm qua, khi cầu lông Đà Nẵng bắt đầu phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và quan tâm, tập trung đầu tư cho các VĐV thiếu niên - nhi đồng. Tại các giải cầu lông truyền thống, việc quy định các CLB có các tay vợt thiếu niên - nhi đồng tham gia thi đấu mới được xếp hạng toàn đoàn được xem là một trong những yếu tố cần thiết.
Bên cạnh đó, Liên đoàn Cầu lông thành phố cũng gặp mặt, trao đổi và hướng dẫn các hướng dẫn viên đang giảng dạy cầu lông (tự do) tại các CLB về phương pháp giảng dạy, huấn luyện; đồng thời cung cấp các tài liệu huấn luyện mới nhất do Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) phát hành.
Cách làm ngày càng đổi mới của Liên đoàn Cầu lông thành phố Đà Nẵng tạo được sự tác động đáng kể với phong trào khi các đối tượng tham gia tập luyện bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến trình độ chuyên môn. Khi phong trào được nâng chất, cầu lông thành tích cao có được sự tương tác cần thiết. Và thành công của cầu lông thành tích cao cũng có giá trị kích thích với hầu hết trong số 50 CLB đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Thành công ban đầu mang lại những niềm vui, song cũng gợi lên không ít nỗi lo với cầu lông Đà Nẵng.
Dù trước đây có sân tập nhưng thiết kế không phù hợp, lại thêm việc phải đập bỏ, sửa chữa một phần do dự án mở rộng sân Chi Lăng nên việc luyện tập của các đội tuyển chưa được đáp ứng đúng mức. Hơn nữa, các trang thiết bị phục cho tập luyện, huấn luyện như vợt, dây căng lưới, giày chuyên dụng, đặc biệt là cầu... chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Mặt khác, trình độ HLV hiện mới đáp ứng được công tác đào tạo trẻ, chưa đủ để huấn luyện đỉnh cao. Vì thế, các VĐV thành tích cao phải được gửi tập huấn dài hạn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia hoặc tại các địa phương có phong trào mạnh như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Do cầu lông thuộc nhóm môn bóng và đối kháng cá nhân nên việc thường xuyên được tập huấn và thi đấu với các đối thủ mạnh là yếu tố hết sức quan trọng. Để có sự phát triển ổn định, bền vững cho cầu lông thành tích cao, đã đến lúc các VĐV cần được tập huấn và thi đấu quốc tế nhiều hơn nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn… Qua đó sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cầu lông Đà Nẵng thêm phong phú và trở thành động lực cho sự phát triển của phong trào lẫn cầu lông thành tích cao trên địa bàn.
Bài và ảnh: BẢO AN