Chưa có kỳ SEA Games nào cử tạ Việt Nam phải đối mặt với quá nhiều khó khăn như hiện nay. Và tất cả không chỉ bắt nguồn từ những quy định bất nhất của Ban tổ chức Myanmar 2013.
Đội tuyển cử tạ Việt Nam không dễ dàng để có được thành công tại SEA Games 27 nếu những vấn đề nội bộ không được giải quyết rốt ráo, từ trước ngày lên đường. Ảnh: TRẦN LÊ |
Thực tế, gần như cử tạ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thống trị các hạng cân nam 56kg và 62kg. Thế nhưng, Ban tổ chức SEA Games 27 lại có những quy định hết sức trái khoáy so với thông lệ của các giải quốc tế như Olympic hay giải Vô địch thế giới, giải Vô địch châu Á.
Theo đó, tại SEA Games 27, mỗi quốc gia chỉ được cử 1 đô cử tham gia thi đấu ở một hạng cân, thay vì được cử 2 VĐV như các kỳ SEA Games trước hoặc những giải đấu quốc tế khác. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại được đưa 2 VĐV đến Myanmar và đăng ký danh sách thi đấu vào giờ chót, sau phiên họp kỹ thuật. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng hạn chế một số hạng cân nữ; trong đó có những hạng cân mà các VĐV nữ Việt nam chiếm ưu thế.
Không những thế, việc các quốc gia chỉ đăng ký thi đấu các nội dung cũng như đăng ký danh sách VĐV vào phút chót khiến không chỉ cử tạ Việt Nam gặp những trở ngại không đáng có.
Đơn cử, cử tạ Việt Nam có 2 đô cử rất mạnh ở hạng 56kg nam là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Trước những quy định khó hiểu của chủ nhà, Ban huấn luyện và bộ môn cử tạ Việt Nam hết sức phân vân để đưa ra quyết định cuối cùng về việc cử VĐV nào tham gia tranh tài ở hạng cân này. Hơn thế nữa, nếu mỗi hạng cân (hoặc mỗi nội dung thi đấu) không có đủ 3 quốc gia cử VĐV tranh tài thì xem như hạng cân (hoặc nội dung đó) sẽ không được tổ chức.
Theo những thông tin bên lề, do khó có khả năng tranh chấp HCV ở hạng cân này nên hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ không cử VĐV thi đấu. Nếu điều này xảy ra, xem như cơ hội để bảo vệ HCV hạng cân 56kg nam của cử tạ Việt Nam sẽ không thành hiện thực.
Thêm những vấn đề nội bộ, cử tạ Việt Nam lại đang đối mặt với những khó khăn nội tại.
Sau khi hoàn toàn vượt trội Quốc Toàn ở mùa thi đấu này, việc Kim Tuấn được chọn lựa thi đấu hạng cân 56kg là tất yếu. Đáng nói, đô cử Lê Quang Trung (Đà Nẵng) đang có phong độ rất tốt và là đương kim vô địch quốc gia hạng cân 62kg. Tuy nhiên, dự kiến Quốc Toàn sẽ được đôn lên thi đấu hạng cân 62kg (!?). Theo dư luận, do bộ môn cử chuyên gia Danikov (Bulgaria) trực tiếp huấn luyện Quốc Toàn trong thời gian tập trung đội tuyển nên Quốc Toàn được đưa lên hạng cân 62kg nhằm... tránh tiếng!
Về nguyên tắc, một VĐV hạng cân trên có thể ép cân để thi đấu hạng cân dưới. Nhưng để một VĐV hạng cân dưới lên thi đấu hạng cân trên hầu như là không thể, nếu không có quá trình chuẩn bị tốt nhất.
Chưa kể thành tích tốt nhất của VĐV Lê Quang Trung khá ấn tượng với trọng lượng cử giật 137kg và cử đẩy 171kg. Trong giai đoạn tập trung vừa qua, Lê Quang Trung cũng giữ được thành tích khá ổn định và đô cử này hoàn toàn có thể đạt mức tạ ban đầu 130kg ở nội dung cử giật và 165kg cử đẩy. Đây là thành tích hoàn toàn có thể nghĩ đến việc giành HCV hạng cân 62kg và cũng là mức tạ mà Quốc Toàn không thể đạt đến. Rồi còn việc chấn thương của Quốc Toàn chưa hoàn toàn bình phục. Thậm chí, cũng có những ý kiến nghi ngại việc Kim Tuấn có thể được đôn lên hạng 62kg, thay cho Quang Trung nếu hạng cân 56kg không được tổ chức (?).
Lúc này, những nhà chuyên môn lẫn Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam rất cần tỉnh táo và có sự cân nhắc cần thiết, bởi để giành HCV tại SEA Games không đơn giản. Và chúng ta không nên tự làm khó mình khi những quy định của Myanmar 2013 cũng đã mang lại quá nhiều khó khăn cho cử tạ Việt Nam.
BẢO AN