Ngày 24-12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, làm Trưởng đoàn làm việc với ngành TDTT thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về TDTT trong lĩnh vực thể thao thành tích cao của Đà Nẵng. Từ những nội dung làm việc, đã có một nỗi lo rất lớn với ngành TDTT thành phố Đà Nẵng.
Để những vận động viên xuất sắc như Thanh Phúc toàn tâm toàn ý đóng góp cho thể thao thành tích cao nước nhà, rất cần sự quan tâm đầu tư đúng mức và kịp thời. |
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ngành TDTT thành phố đã có những bước chuyển biến rất tích cực; từ đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV cho đến cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện, thi đấu. Nhờ đó, thể thao thành tích cao Đà Nẵng cũng có những bước thăng tiến đáng kể.
Từ 14 môn thể thao với 120 VĐV, 19 HLV vào năm 2000, đến năm 2013, thể thao Đà Nẵng đã có 26 môn với 550 VĐV và 70 HLV. Bên cạnh đó, nếu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 (2002), Đà Nẵng chỉ tham gia thi đấu 11 môn, với 78 VĐV, 23 HLV và đoạt 5 HCV, 11 HCB, 19 HCĐ, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành thì Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 (2006), Đà Nẵng đã thi đấu 20 môn với 258 VĐV, 44 HLV và đoạt 13 HCV, 20 HCB, 24 HCĐ, xếp hạng 11/66 tỉnh, thành phố. Nhưng đến Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), Đà Nẵng đã có 373 VĐV, 81 HLV tham gia thi đấu 33 môn và giành được 57 HCV, 47 HCB, 52 HCĐ để xếp hạng 4/66 tỉnh, thành.
Cũng từ năm 2000 cho đến năm 2011, thành phố đã quan tâm đầu tư hàng loạt công trình phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo VĐV; cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thể thao thành tích cao Đà Nẵng. Thế nhưng, do những khó khăn về kinh tế cũng như phục vụ yêu cầu chỉnh trang đô thị, đến nay, cơ sở vật chất phục vụ thể thao thành tích cao không ổn định và phụ thuộc vào hoạt động của các đơn vị quản lý.
Thực tế, dù thành phố cũng đã quy hoạch Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân nhưng tất cả cũng chỉ mới trong giai đoạn đầu triển khai dự án. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Nguyễn Phúc Linh, ngành TDTT đã đề nghị được đầu tư một số hạng mục cần thiết khoảng 300 tỷ đồng; trong đó, triển khai các hạng mục đầu tiên vào khoảng 100 tỷ đồng để bảo đảm yêu cầu đào tạo VĐV nhưng do những khó khăn về kinh phí, đến nay, đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận. Mặt khác, dù thành phố hết sức quan tâm nhưng các chế độ, chính sách nói chung cũng chỉ mới đáp ứng theo yêu cầu chứ chưa theo một quy chuẩn nhất định.
Bên cạnh đó, việc đào tạo văn hóa cho VĐV chuyên nghiệp cần được các ngành, các cấp xây dựng theo một chương trình mang tính đặc thù; thay vì áp dụng chương trình giáo dục phổ thông như hiện tại. Đồng thời, việc ban hành và thực hiện các chính sách cần quy định mức trần, phải nhanh chóng, đơn giản các thủ tục để tránh những khó khăn trong công tác đào tạo VĐV thành tích cao. Bên cạnh đó, việc giải quyết “đầu ra” cho VĐV thành tích cao sau khi nghỉ thi đấu cũng cần được quan tâm giải quyết, nếu muốn các VĐV xuất sắc đóng góp tốt nhất cho thể thao nước nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, thể thao Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực và dù gặp những khó khăn song thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng vẫn có những thuận lợi khi được lãnh đạo thành phố quan tâm, đầu tư đúng mức. Đáng kể nhất là thể thao Đà Nẵng đã xây dựng “Chiến lược Phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020”.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn cần tiếp tục xây dựng chính sách cụ thể đối với VĐV, HLV; đặc biệt là HLV, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, huấn luyện. Đối với vấn đề giúp VĐV xuất sắc có được tương lai ổn định sau khi nghỉ thi đấu, Ủy ban sẽ có những kiến nghị với Quốc hội, đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp. Đồng thời, chương trình giảng dạy văn hóa cho VĐV cần được xây dựng theo hướng đặc thù sẽ được lưu ý và đoàn khảo sát cũng kiến nghị để các ngành liên quan có hướng điều chỉnh hợp lý.
Bài và ảnh: BẢO AN