Giành được 73 HCV, 86 HCB và 86 HCĐ là kết quả từ những nỗ lực của các VĐV khi góp phần mang lại vinh quang cho Tổ quốc và thể thao Việt Nam (TTVN). Nhưng đâu là giá trị thực khi trong số 73 danh hiệu vô địch ấy, có đến hơn 1/3 HCV không nằm trong hệ thống Olympic?
Rất cần sự thay đổi để những nụ cười rạng rỡ thực sự trên gương mặt thể thao Việt Nam. Ảnh: NHẬT ANH |
Đã có quá nhiều lời than thở của các quan chức TTVN khi hầu như các quốc gia đăng cai SEA Games đều đưa các môn với nội dung thế mạnh của mình vào hệ thống thi đấu của đại hội chỉ để chạy đua huy chương. Sau mỗi thất bại ở các kỳ SEA Games, TTVN lại có những lời hô hào “quyết tâm thay đổi” để đầu tư cho thể thao, theo hướng nhắm đến đấu trường châu lục và Olympic.
Thế nhưng, khi bệnh thành tích trở thành mãn tính, TTVN vẫn tiếp tục “đi tắt, đón đầu” để hy vọng tích lũy huy chương, để có những báo cáo hoành tráng về việc “Silat thống trị khu vực” hay “chiếm ưu thế lớn ở môn Vovinam”. Không ai có thể trách cứ những VĐV Wushu, Vovinam hay Silat, Kempo, Muay Thái... sau những thành công trên đấu trường khu vực. Vấn đề là TTVN được định hướng phát triển một cách... lệch lạc!
Thực tế cho thấy, TTVN chưa có sự phát triển căn cơ, bền vững ngay trong rất nhiều môn thuộc hệ thống Olympic. Nỗi lo càng lớn khi ASIAD 2014 (tại Incheon, Hàn Quốc) và 5 năm nữa trên sân nhà Việt Nam (2019) đang cận kề; trong khi quỹ thời gian không còn nhiều cho tiến trình chuẩn bị.
Tự hào về thành công của Điền kinh, Karatedo, Bơi lội... nhưng rõ ràng, TTVN vẫn hụt hẫng lực lượng kế thừa hoặc lực lượng VĐV trẻ hiện có vẫn quá mỏng, so với các quốc gia, gần nhất là trong khu vực.
Giành được 10 HCV Điền kinh là một kết quả đáng mừng song không khó nhận thấy sự thiếu bền vững khi khoảng trống để lại của Vũ Thị Hương chắc chắn không nhỏ. Hay việc đầu tư quá lớn cho Quách Thị Lan được đổi lại chỉ là chiếc HCB 400 mét rào. Thành công của Nguyễn Văn Lai cũng chỉ được xem là ngoài dự kiến. Rồi HCV 800 mét nữ của Đỗ Thị Thảo cũng do đối thủ Myanmar quá yếu, chứ chưa hẳn VĐV của chúng ta quá mạnh, như Trương Thanh Hằng. Cả việc Thanh Phúc bị mất HCV khá oan ức do thiếu người hỗ trợ cũng đáng lưu tâm.
Ở Karatedo, Vũ Nguyệt Ánh đã qua thời sung sức; trong khi lứa trẻ chưa vượt ra khỏi tầm khu vực. Hay trên “đường đua xanh”, ngoài Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, lực lượng của bơi lội Việt Nam vẫn còn quá mỏng để tính đến việc tạo nên một cuộc bứt phá mạnh mẽ hơn ngay tại SEA Games, chưa nói đến vươn ra tầm châu lục.
Đã có nhiều ý kiến về việc cần tăng cường lực lượng trẻ ở các môn Olympic để tham gia tranh tài tại SEA Games nhằm tích lũy kinh nghiệm, rèn giũa kỹ - chiến thuật để có một bước phát triển bền vững. Bài toán kinh phí không quá khó nếu TTVN cắt giảm những môn thi đấu chỉ nhằm thỏa mãn căn bệnh thành tích như Wushu, Silat, Muay Thái hay Petanque, Kempo... để chuyển hướng đầu tư những môn trọng điểm.
Nhìn ra khu vực, nếu người Thái đủ sức đua tranh với thế giới hay châu lục ở các môn Điền kinh, Cử tạ hay quyền Anh; Singapore không kém trên “đường đua xanh”; Indonesia và Malaysia cũng rất mạnh ở Cầu lông... thì TTVN không hề có thế mạnh.
Hẳn nhiên, thành công tại ASIAD hay Olympic không đơn giản. Thế nhưng, nếu không dám đặt ra mục tiêu, TTVN sẽ không bao giờ vươn đến đỉnh cao. Chắc chắn, những bước đi ban đầu, thất bại - thậm chí, thất bại nặng nề - là khó tránh khỏi. Song điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta cứ chấp nhận đua tài chỉ ở “ao làng” để rồi cứ than vãn về nhiều thứ; hoặc cứ hô hào thay đổi sau mỗi thất bại. Để rồi, sau đó, vẫn cứ vuốt ve nhau khi nhìn ngắm lại những chiếc huy chương không có nhiều giá trị chuyên môn.
Nếu không thay đổi từ bây giờ, đến SEA Games 28 (Singapore 2015), lại sẽ có những lời thở than, bởi TTVN vẫn đang vùng vẫy ở “ao làng” mà chưa thể vươn ra “biển lớn” được...
NGUYÊN AN