Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL ban hành xác định thời gian, địa điểm tổ chức cùng số môn và nội dung thi đấu. Theo đó, Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) có 36 môn thi đấu với 743 nội dung, chia thành 2 giai đoạn.
Với những quy định của Điều lệ Đại hội TDTT toàn quốc 2014, nỗ lực của rất nhiều VĐV như Thanh Phúc (HCB giải đi bộ vô địch châu Á 2013) sẽ trở thành vô nghĩa. |
Vòng chung kết tiến hành vào tháng 11-2014 tại các tỉnh, thành phố Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội và Nam Định - là địa điểm đăng cai chính của đại hội.
Ngoài những yêu cầu về nhân sự, đại hội cũng hướng đến mục đích “khuyến khích các địa phương tích cực đào tạo VĐV tài năng, chuẩn bị lực lượng thi đấu tại Đại hội thể thao châu Á lần thứ 17 năm 2014, SEA Games lần thứ 28 năm 2015, Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 năm 2016 và các đại hội, giải thể thao quốc tế khác”.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận điều lệ, các đơn vị, địa phương đã có những phản ứng trái chiều với đa phần, thể hiện sự lo lắng bởi những quy định được xem là “mang tính đột phá”.
Theo điều lệ, “nhằm động viên và ghi nhận sự đóng góp của các địa phương có VĐV đạt thành tích xuất sắc cho thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế, Ban tổ chức (BTC) đại hội đã đưa ra quy định: cộng thêm huy chương vàng (HCV) ưu tiên vào bảng tổng sắp huy chương đối với các địa phương, ngành có VĐV đạt thành tích cao tại các đại hội thể thao quốc tế trong giai đoạn 2013-2014”.
Cụ thể, HCV ASIAD 2014 = 3 HCV, HCB ASIAD 2014 = 2 HCV, HCĐ ASIAD 2014 hoặc HCV SEA Games 2013 = 1 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Đặc biệt, đối với nội dung thi đấu đồng đội hay môn tập thể đoạt huy chương tại ASIAD 2014 hoặc HCV SEA Games 2013, BTC cũng sẽ cộng thêm HCV ưu tiên cho mỗi VĐV của các đơn vị có VĐV tham gia đội tuyển đạt thành tích. Và cũng như thông lệ, BTC đại hội sẽ căn cứ vào số HCV, HCB, HCĐ đạt được của các địa phương, ngành sau khi đã cộng thêm huy chương ưu tiên để xếp hạng toàn đoàn! Theo những nhà quản lý ngành TDTT, quyết định này sẽ tạo sự đột phá, song việc ưu tiên huy chương như quy định sẽ nảy sinh nhiều bất cập.
Vấn đề nhân sự được quy định với “khung” khá rộng: “phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương hoặc có giấy xác nhận là VĐV của ngành do Cục Quân huấn (Bộ Quốc phòng) hoặc Cục Công tác chính trị (Bộ Công an) cấp, VĐV cũng sẽ được quyền đăng ký thi đấu nếu có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp được ký kết trước ngày 1 tháng 1 năm 2014”. Điều này đồng nghĩa với việc rất dễ xảy ra tình trạng chuyển nhượng VĐV nhằm “mua huy chương” ngay trước khi Đại hội TDTT toàn quốc 2014 khởi tranh. Đồng thời, cũng sẽ hạn chế rất lớn mục tiêu “khuyến khích các địa phương tích cực đào tạo VĐV tài năng” như điều lệ đặt ra. Bên cạnh đó, việc không tính những huy chương của giải vô địch châu Á 2013 khiến không ít địa phương; trong đó, có Đà Nẵng, phải gánh chịu những thiệt thòi khi thành quả đó cũng là những nỗ lực của các địa phương trong suốt thời gian qua.
Vì thế, dù khẳng định những thay đổi này “sẽ tạo nên luồng sinh khí mới, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của thể thao nước nhà” nhưng chính những quy định về ưu tiên huy chương lẫn nhân sự bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Và một khi những sơ hở góp phần làm “nặng thêm” bệnh thành tích, quá khó để chờ đợi những sự “phát triển vượt bậc” của thể thao Việt Nam trong tương lai.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN