.

Xã hội hóa thể thao và con đường phát triển

.

Những ngày qua, đội bóng đá U-19 Việt Nam trở thành đề tài chủ yếu của các trang báo thể thao cũng như với những người hâm mộ. Chính từ những thành quả ban đầu trong cách làm bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), dư luận lưu tâm nhiều hơn đến tiến trình xã hội hóa (XHH) thể thao.

Song, với thể thao Việt Nam, chủ trương XHH thể thao vẫn chưa được triển khai hiệu quả nhằm tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của thể thao thành tích cao. Có chăng, vẫn chỉ mới có một số giải đấu của một số cơ quan báo chí, một vài liên đoàn hay hiệp hội thể thao địa phương tổ chức; thông qua sự tài trợ của các doanh nghiệp. Trong khi đó, vai trò của ngành TDTT vẫn khá mờ nhạt.

Với các nước phát triển và không ít quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, việc XHH thể thao không còn xa lạ. Hơn nữa, đó chính là nền tảng để phát triển thể thao đỉnh cao trong tương lai. Hầu hết tại các quốc gia này, liên đoàn, hiệp hội thể thao tự tổ chức giải đấu, tự vận hành, tự đầu tư và được quyền thụ hưởng thành quả của chính họ tạo ra.

Ở Việt Nam, Học viện HAGL Arsenal JMG là một ví dụ.

Hơn thế nữa, thể thao đỉnh cao ở các cường quốc thể thao thế giới và khu vực đều bắt nguồn từ thể thao học đường. Bởi ở đó, nguồn nhân lực là vô tận. Đồng thời, với kiến thức văn hóa được thụ hưởng trong quá trình học tập, các em sẽ tư duy tốt hơn để nâng cao khả năng thành kỹ năng khi trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp. Mặt khác, khi bước vào con đường chuyên nghiệp, mỗi VĐV tương lai đã được đào tạo khá cơ bản, cả về đạo đức lẫn chuyên môn trong quá trình học tập.

Với Đà Nẵng, bóng đá thực sự đạt hiệu quả rất đáng kể sau khi thành phố chủ trương chuyển giao cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SH Bank). Nhờ đó, CLB SHB Đà Nẵng 2 lần vô địch V-League, 1 lần đoạt cúp quốc gia cùng 1 siêu cúp quốc gia chỉ sau 6 năm chuyển giao. Bên cạnh đó, các tuyến trẻ đều từng giành được các danh hiệu vô địch quốc gia ở từng lứa tuổi.

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Trần Đức Phấn cũng thừa nhận thành công của bóng đá Đà Nẵng sau khi thực hiện XHH. Tuy nhiên, các môn khác vẫn còn cần rất nhiều sự đóng góp của toàn xã hội trong định hướng phát triển đỉnh cao ở tương lai.

Trong chiến lược phát triển Thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, ngành TDTT thành phố xác định: “Bảo đảm tốt mối quan hệ giữa phát triển thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng và thể thao học đường. Thể thao thành tích cao vừa là động lực, vừa là hạt nhân, góp phần phát triển thể thao quần chúng và thể thao học đường. Thể thao quần chúng và thể thao học đường là cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao”.

Thế nhưng, thể thao Đà Nẵng cũng trong tình trạng chung khi cơ sở vật chất phục vụ phong trào gần như không có; đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên còn thiếu và yếu. Thể thao học đường cũng gặp những hạn chế tương tự. Một nghịch lý khác của thể thao Đà Nẵng còn ở việc, một số môn như cử tạ, Judo… có VĐV đỉnh cao nhưng phong trào không phát triển. Trong khi đó, cầu lông, bóng bàn.. có phong trào rất mạnh nhưng lại không có VĐV đỉnh cao.

Vì thế, để có nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao, thể thao Đà Nẵng cần đẩy mạnh tiến trình XHH với những bộ môn đáp ứng điều kiện và yêu cầu. Bên cạnh đó, sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT cho cả phong trào lẫn các đội tuyển là điều hết sức bức thiết. Nếu không, mục tiêu để Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung” (Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, ngày 16-10-2003) sẽ rất khó thành hiện thực.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.