.

Có một "Dị nhân" giữa đời thường

.

(ĐNĐT) - Dường như, trong Hoàng Quý Phước có đến hai con người. Mạnh mẽ và quyết liệt trên "đường đua xanh" nhưng lại hiền hậu, nhẹ nhàng giữa đời thường.

Ngày về giữa những vòng tay yêu thương
Ngày về giữa những vòng tay yêu thương

Và để vươn đến thành công, con đường của "dị nhân sông Hàn" không hẳn chỉ có màu hồng. Thậm chí, khi còn là một cậu bé, Phước không ít lần nhận... đòn roi từ gia đình, bởi cậu thường xuyên... trốn nhà, ra biển chỉ để được nghịch nước. Cũng vài ba lần, Phước từng suýt chết đuối khi "mê" sóng nước, dù vẫn chưa biết bơi.

Ngay từ bé, do ốm yếu và bị gắn với cái tên "Bảy còi", bà Nguyễn Thị Tại - mẹ của Phước - chỉ mong con trai khỏe mạnh, không còn còi cọc. Và việc Phước tắm biển được xem như một cách vận động tốt nhất để "Bảy còi" hết còi. Hơn nữa, với quan niệm "Có phước, đẻ con biết lội..." nên dần dà, gia đình cũng không còn ngăn cấm cậu đến với biển. Được vùng vẫy cùng sóng nước trở thành niềm vui rất lớn với cậu lúc bấy giờ. Vì thế, khi được thầy Phan Thanh Toại phát hiện và muốn đưa về tập luyện cùng đội tuyển Bơi lội Đà Nẵng, cậu bé 12 tuổi này không chần chừ bởi với Phước, bể bơi của Trung tâm HL-ĐT VĐV là... “quá đẹp!”.

Niềm đam mê được vẫy vùng dưới nước, vô tình lại trở thành động lực để Hoàng Quý Phước vươn tới đỉnh cao dù khi đến với bơi lội, chàng trai này chỉ nghĩ đến việc được thỏa mãn sự vui thú của riêng mình. Thành công tiếp nối thành công song với Phước, thành công trong thể thao hầu như không có "điểm dừng".

Vì thế, dù luyện tập tại chỗ hay đi tập huấn ở xa, thời gian biểu của Phước vẫn không có nhiều thay đổi. Trong đó, ưu tiên cho việc tập luyện cũng như tham gia các hoạt động bổ trợ bằng những môn thể thao yêu thích khác như tập tạ, bóng đá, bóng rổ... cùng bạn bè, đồng đội.

Hằng ngày, từ 6 giờ, Phước đã thức dậy để vệ sinh, điểm tâm trước khi bước vào tập luyện cho đến 10 giờ 30. Sau đó, Phước được hồi phục bằng những bài vật lý trị liệu trước khi nghỉ ngơi. Được gần nhà, Phước tranh thủ ra chợ giúp mẹ buôn bán, hoặc về nhà phụ giúp mẹ việc bếp núc. Có lúc, Phước thường mời đồng đội về nhà để thưởng thức khả năng làm đầu bếp của chính mình. Một khoảng thời gian nghỉ trưa vừa đủ giúp Phước tái tạo năng lượng cho việc hoàn thành khối lượng trong buổi tập chiều, bắt đầu từ 14 giờ cho đến 17 giờ. Kết thúc buổi tập, Phước tranh thủ xem lại bài vở, chuẩn bị cho buổi học văn hóa vào ban đêm.

Có những thời khắc, Phước rất e ngại khi nghĩ đến việc tập luyện bởi cường độ vận động không ngừng khiến anh cảm thấy mệt mỏi. Song, tất cả cũng chỉ thoáng qua bởi, khi đã xác định con đường đi của mình, Phước cũng xác định sẽ phải đi trọn vẹn con đường đã chọn, dù phải vượt qua nhiều chông gai, thử thách. Cho nên, từng bị "vướng" vào không ít chuyện thị phi bởi "người lớn" nhưng với Phước, điều quan trọng nhất vẫn là thành tích thi đấu và hơn thế nữa, phải biết cách "vượt lên chính mình".

Ý thức như thế nên ngay từ bé, Phước sẵn sàng từ bỏ những cuộc vui của tuổi thơ để chỉ đắm mình cùng "đường đua xanh". Và từ bấy đến nay, Phước liên tục có những chuyến tập huấn xa nhà; ngay cả khi bố mất, Phước cũng không thể có mặt bên cạnh bố trong giờ phút cuối. Bây giờ, thì mẹ trở thành chỗ dựa lớn nhất của Phước và người mẹ này vẫn luôn tâm niệm: "Mong cháu đừng sớm tự mãn. Và Phước phải ý thức, cháu không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn phải gánh vác trách nhiệm với Tổ quốc".

Với ý thức ấy nên sau những thành công của "Dị nhân sông Hàn" Hoàng Quý Phước, còn có một "Bảy còi" rất đáng mến giữa đời thường khi những ánh hào quang không khiến Phước mất đi sự chân chất, hồn hậu vốn có của chính mình...

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.