Cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, bóng bàn Đà Nẵng một thời tạo được tiếng vang khi Mai Công Trí rồi Lê Thị Hoa không ít lần tỏa sáng trên đấu trường quốc gia.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, sức phát triển của phong trào rất mạnh, dù hoạt động của các “lò” chỉ mang tính tự phát. Thế nhưng, sau quá nhiều biến động - cả về cơ sở vật chất lẫn con người, bóng bàn Đà Nẵng dần mai một và mất hẳn vị trí trên bản đồ thể thao quốc gia, ngay cả sau khi Liên đoàn Bóng bàn (LĐBB) thành phố được thành lập cách đây gần 10 năm, vẫn chưa có sự đột phá trong bộ môn này.
Sức hấp dẫn của các giải đấu đã tác động tích cực đến phong trào và sự phát triển của phong trào, lại tạo nên sự sôi động cho các giải đấu của bóng bàn Đà Nẵng. |
Những khó khăn về kinh phí khiến LĐBB thành phố chỉ… dám tổ chức nội dung đồng đội nam - đồng đội nữ ở giải lần thứ nhất. Sau đó, ở các giải lần 2 và 3 (các năm 2012, 2013), các nội dung đôi mới được đưa vào. Và ở giải lần thứ 4 này (2014), cũng bởi những trở ngại trong việc kêu gọi tài trợ, LĐBB phải nhờ đến sự hỗ trợ thêm của Datraco; ngoài đơn vị tài trợ chính là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam - Beer Larue.
Tuy vậy , đánh giá về sự phát triển của phong trào từ các giải đấu trong hệ thống, Tổng Thư ký LĐBB Đà Nẵng Lê Thị Mỹ Hạnh khẳng định, chất lượng chuyên môn của các giải đấu cũng như trình độ của các tay vợt từng bước được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Nếu trước kia các tay vợt hạng A thường xuyên chi phối các giải và chia nhau những thứ hạng cao nhất thì khoảng 2 năm trở lại đây, với sự huấn luyện của chuyên gia Wang Cheng (Trung Quốc), các tay vợt năng khiếu không ít lần vượt qua những “đàn anh, đàn chị” ở các giải đấu thành phố. Không những thế, chính những tay vợt trẻ này còn giành được những tấm huy chương đầu tiên ở giải Trẻ quốc gia, dù chỉ là HCĐ như Võ Hữu Quốc (15 tuổi) hay những tài năng tương lai như Đặng Lê Anh Tuấn (11 tuổi), Nguyễn Minh Triết (12 tuổi), Trần Ngọc Thức (12 tuổi)…
Hiệu quả của các giải đấu cho ra đáp án đầy lạc quan với thể thao thành tích cao và cũng tác động rất tích cực đến phong trào. Sự hấp dẫn, niềm vui thích khi được tham gia thi đấu khiến những tay vợt nghiệp dư hoặc các CLB không hề băn khoăn. Dù Ban tổ chức giảm số tiền giải thưởng cùng với việc nâng mức lệ phí đăng ký thi đấu nhưng số lượng VĐV, số lượng CLB sau mỗi giải đấu vẫn không giảm.
Chính những mối quan hệ tương tác ấy giúp bóng bàn Đà Nẵng có được sự phát triển khá căn cơ khi niềm đam mê bóng bàn đã lan tỏa và “bắt rễ” được trong quần chúng. Với cách làm phong trào khá linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, LĐBB Đà Nẵng đã đặt được những “viên gạch” đầu tiên cho nền móng của bóng bàn Đà Nẵng. Và từ hôm nay, tương lai đã bắt đầu…
Bài và ảnh: BẢO AN