.

Vòng chung kết U19 châu Á: Việt Nam khó qua vòng bảng!

.

Sau lễ bốc thăm chia bảng vòng chung kết U19 châu Á, cựu huấn luyện viên - chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng U19 Việt Nam đứng thứ ba tại bảng C đã là thành công.

U19 Việt Nam khó lòng hiện thực hóa giấc mơ World Cup.
U19 Việt Nam khó lòng hiện thực hóa giấc mơ World Cup.

Kết quả bốc thăm vòng chung kết U19 châu Á vào tháng Mười tới tại Myanmar đã đưa U19 Việt Nam vào bảng C cùng với các đội tuyển tới từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đây là ba cường quốc bóng đá của châu lục, sở hữu những kỷ lục ấn tượng trong lịch sử giải U19 châu Á.

Hàn Quốc là “vua” trong lịch sử các vòng chung kết với 12 lần đăng quang. Nhật Bản là đội từng đè bẹp U19 Việt Nam với tỷ số 7-0 ở giải U19 quốc tế cách đây vài tháng trong khi Trung Quốc là đội vô địch vòng chung kết năm 2010.

Trước sức mạnh của các đối thủ, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng mục tiêu khả dĩ nhất của U19 Việt Nam chỉ nên là hạng ba: “Theo lịch sử giải đấu, U19 Nhật Bản và U19 Hàn Quốc là hai đội tuyển rất mạnh và đều là những thách thức khó khăn của U19 Việt Nam. Trước các đối thủ này, chúng ta phải hết sức động viên các em. Điều quan trọng của đội tuyển U19 Việt Nam ở thời điểm này là thể hiện được tinh thần thi đấu ngoan cường, sự tiến bộ về chuyên môn so với trước đây.

Kết quả bốc thăm giải U19 châu Á tháng 10/2014.
Kết quả bốc thăm giải U19 châu Á tháng 10/2014.

Đội tuyển sẽ trải nghiệm sức mạnh của các đối thủ, từ đó rút ra so sánh. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc là 10 phần thì mình phải được 8 phần, 9 phần chứ đừng chỉ được 4 hay 5 phần so với họ.

Ở bảng đấu này, U19 Việt Nam đứng hạng ba là thành công. Chúng ta phải cố gắng đá ngang ngửa Nhật, Hàn và chiến thắng Trung Quốc.”

Cựu huấn luyện viên trưởng của Bình Dương tin rằng thế hệ U19 hiện tại còn một chặng đường dài phải đi để đến thành công: “Đây là thời điểm để chúng ta có một thế hệ tốt. Dù kết quả có thể nào đi nữa, dù thành công hay thất bại, chúng ta vẫn phải đầu tư cho thế hệ này. Bởi với tiềm năng của các em, chuyện vượt qua trình độ Đông Nam Á và tiếp cận đẳng cấp châu Á là có thể.

Chẳng có quốc gia nào nghèo mà lại có nền bóng đá phát triển cả. Bóng đá phải là sự phát triển từ hệ quả tổng hòa của kinh tế, xã hội, khoa học... Đội tuyển Nhật mạnh vì kinh tế, khoa học, xã hội, giáo dục của họ đều phát triển. Họ tổng hòa các yếu tố đó, áp dụng nó trong bóng đá nên mới có thành tựu hôm nay. Việt Nam phải nhìn đó làm bài học, phải kiên nhẫn và không được nóng ruột.”

Theo Vietnam+

 

;
.
.
.
.
.