Sau khi môn thi đấu thứ 13 - trong số 20 nội dung của Đại hội TDTT thành phố Đà Nẵng 2014 - kết thúc, Hải Châu gần như chiếm vị trí nhất toàn đoàn chung cuộc, bởi khoảng cách 190 điểm so với đơn vị tạm xếp thứ nhì là Thanh Khê là rất khó san lấp.
Với sự chuẩn bị tích cực bằng “sức mạnh tổng lực”, Hải Châu đã chiếm ưu thế tuyệt đối trong môn cầu lông tại Đại hội TDTT thành phố Đà Nẵng 2014 và tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng khá vững chắc. |
Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu ngành TDTT Hải Châu có được một cơ ngơi tương xứng cùng một lực lượng cán bộ chuyên trách cần thiết. Thế nhưng, ngoài sân tập cầu lông chưa đủ chuẩn trên đường Lê Hồng Phong, ngành TDTT quận hầu như… tay trắng. Chưa kể đến việc chỉ có 3 cán bộ chuyên trách thì 2 trong số đó lại là lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) quận. Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT quận Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: “Thực sự cái được lớn nhất của chúng tôi chính là sự cầu thị. Chính điều đó giúp ngành TDTT quận Hải Châu nhận được sự hỗ trợ rất lớn với tất cả sự nhiệt tình của ngành TDTT thành phố, của các đơn vị liên quan và những cá nhân trên địa bàn quận”.
Tính từ tháng 1 đến nay, các đội tuyển Hải Châu đã thi đấu 13 môn; bình quân một tháng thi đấu 3 môn. Chỉ mới hình dung công tác tổ chức, tập hợp lực lượng… cũng đã quá sức, nói gì đến việc đào tạo, huấn luyện đối với ngành TDTT quận. Và như ông Ánh thừa nhận, cả ba cán bộ chuyên trách TDTT của quận “không thể giỏi hơn từng HLV ở mỗi bộ môn để có thể ôm đồm tất cả”. Từ những mối quan hệ được duy trì khá lâu, cả Giám đốc lẫn Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT lại phải đến từng đơn vị để nhờ hỗ trợ về chuyên môn, cơ sở vật chất để tập luyện lẫn HLV. Ngay cả các HLV, VĐV là người địa phương, lãnh đạo trung tâm cũng phải dùng tình cảm để kêu gọi sự đóng góp cho phong trào. Bởi, “ngoài cái tình, mình đâu có gì để ràng buộc được mọi người!”, ông Ánh xác định.
Cũng đúng thế thật! Bởi mức bồi dưỡng khoảng 500.000 đồng/HLV trong cả quá trình tập huấn cho đến thi đấu, kéo dài chừng một tháng chẳng bõ bèn gì so với lao động bỏ ra của từng HLV, dẫu là nghiệp dư. Hay khoản khen thưởng cũng chừng ấy cho thành tích HCV cũng không quá lớn cho nỗ lực rất lớn của mỗi VĐV. Nhưng tất cả đều hiểu rằng, đó cũng là sự cố gắng không nhỏ của ngành TDTT quận, dành cho các HLV, VĐV của từng đội tuyển.
Một yếu tố khác giúp phong trào TDTT Hải Châu luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn thành phố còn xuất phát từ sự quyết liệt và ý chí tiến thủ của lãnh đạo ngành. Nói cách khác, như Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Ánh xác định là, “chơi thể thao mà không nghĩ đến chiến thắng thì không nên chơi”. Song không vì thế mà Hải Châu nhập cuộc với tư tưởng “thắng bằng mọi giá”. Có lẽ vì thế mà các VĐV Hải Châu luôn nhận được những thiện cảm từ những nhà tổ chức lẫn các trọng tài điều hành ở từng giải đấu khi tất cả đều xác định mục tiêu thi đấu là: “Trung thực, cao thượng và hữu nghị”.
Dù Giám đốc Trung tâm VH-TT Lê Tú Anh cho rằng, ngành TDTT Hải Châu may mắn khi lãnh đạo Quận ủy và UBND quận vẫn luôn quan tâm nhưng nếu hiệu quả hoạt động TDTT không như mong muốn, hẳn mức độ đầu tư cho phong trào cũng sẽ không thể ở mức tối ưu. Ngược lại, sự quan tâm của lãnh đạo càng lớn, trách nhiệm với phong trào của ngành TDTT quận cũng cao hơn.
Với thể thao Hải Châu, bây giờ đã có thể gặt hái những thành quả ban đầu từ sự cầu thị để ngành TDTT quận có thể “vận động được sức mạnh tổng lực”, như cách ví von của ông Lê Tú Anh. Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Hải Châu sẽ là ngọn cờ đầu của ngành TDTT Đà Nẵng, khi năm 2014 khép lại…
Bài và ảnh: NGUYÊN AN