.

14h00 chiều 26-9, Olympic Việt Nam tự tin đối đầu Olympic UAE

.

Đụng độ nhà đương kim á quân ASIAD Olympic UAE ngay ở vòng “knock-out” đầu tiên là “ca khó”. Khó nhưng không phải không thể với thầy trò Toshiya Miura, sau những gì họ đã trải qua cùng nhau.

Hồng Quân (phải) và đồng đội sẽ đánh bại Olympic UAE (trái) để giúp Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tứ kết bóng đá nam ASIAD? Ảnh: VSI
Hồng Quân (phải) và đồng đội sẽ đánh bại Olympic UAE (trái) để giúp Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tứ kết bóng đá nam ASIAD?

Sự tự tin của học trò ông Miura thực sự là một thứ “vũ khí hạng nặng”, cho lần “đem chuông đi đánh xứ người” này.

Chúng ta đã nói nhiều về vũ khí tinh thần, ý thức tuân thủ chiến thuật của học trò ông Miura sau các chiến thắng trước Olympic Iran và Olympic Kyrgyzstan, mà chỉ đề cập rất ít tới những chỉ số chuyên môn. Sự thật là Olympic Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều kể từ sau SEA Games 27. Tại Hwaseong vào chiều nay, đội bóng áo đỏ hoàn toàn có thể sòng phẳng “nói chuyện” với Olympic UAE.

Sơ đồ 3-6-1 tương đối lạ mắt mà HLV Miura áp dụng đảm bảo cho Olympic Việt Nam luôn có đủ con người khi phòng ngự, cũng như khi tổ chức tấn công, dựa trên nền tảng thể lực sung mãn. Trong khi đó, với việc trung thành một cách tuyệt đối với lối chơi tấn công, Olympic UAE đã từng phải trả giá khi duy trì hệ thống 3-4-3 ở lượt trận cuối vòng bảng với Olympic Jordan (thua 0-1). Đó là lý do tại sao họ gặp chúng ta ở lượt trận vòng 1/8, khi để Jordan giật ngôi đầu trong tay.

Với phần lớn các đối thủ tôn thờ thứ bóng đá tấn công, đội bóng nằm thế “kèo dưới” nghiễm nhiên sẽ dễ đá hơn rất nhiều, mặc cho HLV Miura đang phải chịu tổn thất về lực lượng, khi Huy Toàn vẫn chưa bình phục chấn thương và trung vệ Hoàng Lâm cũng mới vừa gia nhập danh sách “thương binh”. Tuy nhiên, Hoàng Lâm vốn không phải “kép chính”, khi Ngọc Hải và Duy Khánh đang chơi khá ăn ý. Ngoài ra, bất cứ lúc nào Thanh Hiền cũng có thể bó vào trong.

Theo dõi những trận đấu ở Asian Games 17 thì thấy hiệu quả tấn công của Olympic UAE không tương xứng với số lượng nhân sự mà đội bóng này tập trung cho tuyến đầu. Chiến thắng “5 sao” trước Olympic Ấn Độ là do đối thủ quá yếu. Các đường lên bóng kiểu chuyền dài vượt tuyến thường không tìm đến đích, khi đối thủ chủ động chơi pressing, kiểu 1 bắt 1, hoặc 2 bắt 1. Hãy tham khảo Olympic Jordan!

Ở lần ra quân thứ ba trên đất Hàn Quốc, có thể yếu tố bất ngờ trong các miếng đánh của Olympic Việt Nam sẽ tiếp tục bị giảm thiểu (bắt đầu từ trận đấu trước với Olympic Kyrgyzstan, biểu hiện này đã xuất hiện). Nhưng, nếu học trò ông Miura biết kiên nhẫn, cơ hội ghi điểm sẽ đến, bằng các pha tổ chức lên bóng kiểu “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn”. Chúng ta có đủ “vũ khí hạng nặng” như Phi Sơn, Minh Tuấn, Mạc Hồng Quân và thậm chí cả Hoàng Thịnh, với những cú nã đại bác uy lực từ tuyến 2.

Một trận đấu ở vòng “knock-out” có thể kéo dài hơn 90 phút, nên cần có những phép tính hợp lý về phân bổ thể lực. Rất khó để duy trì một cách liên tục lối chơi pressing, vốn là thuộc tính trong cách làm chiến thuật của HLV Miura, bởi thể hình và thể lực vốn là điểm mạnh của bất cứ đại diện Trung Đông nào, chứ đừng nói Olympic UAE. HLV trưởng của họ đã dành cho thầy trò ông Miura sự tôn trọng nhất định, thì chúng ta cũng cần thiết làm điều đó, đừng để các đôi chân rời khỏi mặt đất.

Một khi Bửu Ngọc tiếp tục làm chủ được không gian trong khu cấm địa, các hậu vệ hẳn sẽ được nhờ. Olympic Việt Nam cũng không cần quá lo lắng, khi hàng hậu vệ 3 người của đối phương, khó thể bịt hết các lỗ hổng. Bóng đá hiện đại đề cao vai trò của chơi-bóng-mặt-đất, với những đường ban ngắn và trung bình có độ chuẩn xác, khi tiếp cận cầu môn đối phương. Bằng sự tự tin cũng như việc duy trì tính kỷ luật trong lối chơi, không ít người tin rằng chiến thắng sẽ đến với thầy trò ông Miura.

TT&VH

;
.
.
.
.
.