Trung Quốc, đất nước với hơn 1 tỷ dân và nền thể thao hùng mạnh bậc nhất thế giới, cũng có một nỗi ám ảnh không kém người Việt Nam về bóng đá, mà lứa cầu thủ U19 hiện tại của họ cũng đang cõng trên vai giấc mơ lớn ấy, nhưng không bị oằn mình vì nó.
Tuấn Anh (8) và các đồng đội tiếp tục đối diện với một thử thách khó khăn là U19 Trung Quốc. |
Nỗi ám ảnh của bóng đá Trung Quốc
"Từng có hàng tá những trò đùa về bóng đá Trung Quốc. Người dân chúng tôi thường xuyên mỉa mai nền bóng đá của chúng tôi, và câu nói phổ biến nhất là "trong một quốc gia 1,3 tỷ dân, chúng tôi không thể bói đâu ra 11 cầu thủ!" – Wu Zhi Zhao, phóng viên của Tân Hoa Xã đến đưa tin về giải U19 châu Á, nói với tôi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nói về ba điều ước của bóng đá Trung Quốc: 1) Vào vòng chung kết World Cup; 2) Đăng cai World Cup; và 3) Vô địch World Cup. Nó cho thấy sự ám ảnh của người Trung Quốc với bóng đá.
Nhưng đáng tiếc là dù thống trị hai kỳ Thế vận hội gần đây, tại Bắc Kinh 2008 và London 2012, Trung Quốc vẫn lúng túng với bóng đá. Kể từ lần đầu tiên dự vòng loại World Cup vào năm 1957, họ đã trải qua 10 chiến dịch vòng loại và mới chỉ lọt vào vòng chung kết đúng một lần vào năm 2002, nhưng đó là thời điểm mà Nhật Bản và Hàn Quốc không dự vòng loại với tư cách là những đồng chủ nhà World Cup.
Nhưng mọi thứ đang thay đổi. Trong một kế hoạch bóng đá dài hơi của người Trung Quốc, đào tạo trẻ đã lan đi 113 thành phố với 190 nghìn học sinh trong hơn 5 nghìn trường học từ năm 2009 tới nay.
Lứa cầu thủ hiện tại của U19 Trung Quốc được tạo nên một phần từ cuộc cách mạng ấy, với những niềm hy vọng lớn nhất là Wei Shihao (Boavista), Xiang Baixu (St. Etienne). Trong buổi họp báo ở trận thắng Nhật Bản, HLV đội tuyển U19 Trung Quốc, ông Zheng Xiong, cho biết rằng đội bóng của ông chỉ tập trung khoảng hai ngày trước khi giải diễn ra, nhưng đó là một tập thể rất chắc chắn, và gan lì. Họ đã đánh bại Nhật Bản, và khiến cho ĐKVĐ Hàn Quốc phải lao đao.
Và nỗi ám ảnh của chúng ta
Bóng đá học đường mới là ý tưởng manh nha ở Việt Nam trong hai năm trở lại, trong khi Trung Quốc đã hành động sau nhiều năm trì trệ: "Chúng tôi thiếu những điều kiện để thành công trong một thời gian dài. Vài năm trước thôi, chỉ có 20% trong tổng số gần 1200 trường tiểu học và trung học ở Bắc Kinh có một sân bóng đá đúng kích thước tiêu chuẩn" – Wu Zhi Zhao phân tích.
Nếu như một nền thể thao hùng mạnh với con người hùng hậu như của Trung Quốc cũng không thể chối bỏ được hành trình đúng đắn để vươn đến một nền bóng đá vững chắc thực sự, thì có lẽ Việt Nam cũng không thể nhảy cóc đến mục tiêu cao xa nào đó chỉ bằng một lứa cầu thủ được đào tạo tốt ở một học viện trẻ.
Nếu như Trung Quốc với dân số hơn 1 tỷ người cũng phải gieo trồng những hạt giống bóng đá và làm nó lan tỏa trong xã hội, trước khi vươn tới đỉnh tháp là đội tuyển quốc gia, thì Việt Nam không thể đốt cháy giai đoạn, và mơ làm nên điều gì đó lớn lao với một hiện tượng có tính khu biệt, như học viện HAGL. JMG.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã đi trước Trung Quốc nhiều năm về việc xây dựng bóng đá học đường, tạo ra một chân đế vững vàng cho nền bóng đá, nhưng những gì diễn ra ở giải U19 này cho thấy bóng đá Trung Quốc có tiềm năng to lớn đến thế nào, một khi đã tìm ra con đường đúng đắn.
Với chúng ta, nỗi ám ảnh về thành công lớn đến nỗi mọi thứ đều vội vã như một thứ quả chín ép. Sau nhiều năm, chúng ta mới có một thế hệ cầu thủ có thể đá sòng phẳng về kỹ thuật với những nền bóng đá ở đẳng cấp thế giới, nhưng thế là không đủ để kết luận rằng họ đã ở gần với đẳng cấp ấy. Với một nền bóng đá còn đứng yên, thì một hiện tượng không làm nó dịch chuyển được.
Trận đấu cuối cùng vòng bảng có thể sẽ là một trận đấu rất hay của U19 Việt Nam, những cầu thủ trẻ đã mang lại cảm hứng cho một xã hội bóng đá đang thiếu thốn cái đẹp, sự tử tế và niềm vui, nhưng rốt cục, nó vẫn sẽ phơi bày một thực tế: Bóng đá Trung Quốc như một con rồng say ngủ đang thức giấc, còn bóng đá Việt Nam vẫn đang chới với trên mây, trong một giấc mộng Nam Kha.
Đội hình dự kiến U19 Việt Nam: Văn Trường – Văn Sơn, Tiến Dũng, Xuân Hưng, Hồng Duy – Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Long, Quang Hải – Văn Toàn, Công Phượng. U19 Trung Quốc: Zhou Yuchen – Gao Zhunyi, Yan Zihao, Fu Yun Long, Xiang Hantian – Wei Shihao, Cheng Jin, Tang Shi, Wei JingZong – Xiang Baixu, Liu Junshuai. |
TT&VH