.

Tăng cường xã hội hóa hoạt động TDTT

.

Đó là kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL thành phố sáng 5-11.

Điền kinh là một môn mũi nhọn và được xem là trọng điểm của thể thao Đà Nẵng.
Điền kinh là một môn mũi nhọn và được xem là trọng điểm của thể thao Đà Nẵng.

“Trắng” cơ sở vật chất

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đặng Đông Hải - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo vận động viên (VĐV) cho rằng: “Dù nhận chỉ tiêu giành 1 trong 7 thứ hạng đầu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) nhưng đây là thách thức rất lớn với chúng tôi. Bởi ngoài thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quân đội, các đơn vị như Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ, Hải Dương… đều có những bước phát triển đáng kể. Chưa nói đến ưu thế của các địa phương bạn khi được nhân hệ số nhờ giành được huy chương tại các giải quốc tế”.

Nỗi lo hoàn toàn có căn cứ bởi suốt thời gian dài, các đội tuyển thể thao Đà Nẵng phải tập luyện trong điều kiện “trắng” cơ sở vật chất. Vì thế, các VĐV phải tập luyện phân tán tại các cơ sở thuê, mượn… nhưng lại không đúng công năng. Chưa kể đến việc nếu những địa điểm này tổ chức sự kiện, các đội tuyển phải tạm dừng tập luyện ít nhất từ 2-10 ngày.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh cho biết, đến nay, chỉ có CLB Bơi lặn và CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ “có thể phục vụ yêu cầu chuyên môn”. Còn lại, sau khi sân Chi Lăng, nhà tập luyện Cầu lông, khu nhà ở của VĐV… bị giải tỏa theo yêu cầu chỉnh trang của thành phố, cơ sở vật chất của ngành TDTT hầu như “trắng”. Ngay CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ chỉ mới được đầu tư giai đoạn 1 nhưng cũng chưa hoàn thiện. Vì thế, nhà ở dành cho VĐV phải dùng làm nơi chứa thuyền; còn VĐV thì phải chấp nhận sống vạ vật!

Không những thế, những vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng là nỗi trăn trở của ngành TDTT, như thừa nhận của Phó Giám đốc Nguyễn Phúc Linh: “Do không thể ở tập trung, địa điểm tập luyện xa nơi ở của VĐV, mỗi năm, thành phố phải cấp gần 2 tỷ đồng để các đội tuyển thuê phương tiện đến địa điểm tập luyện. Đáng lo ngại hơn khi các VĐV xuất sắc và đang bước vào đoạn cuối của sự nghiệp, không hoàn toàn yên tâm cống hiến khi các em chưa thấy được tương lai của mình”.

Cũng tại cuộc họp này, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Vũ Hùng chia sẻ, Khu Liên hợp thể thao với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng và trong năm 2014 được ghi 100 tỷ đồng nhưng cuối cùng phải rút nguồn vốn đầu tư chỉ còn 80 tỷ đồng. Năm 2015, nguồn vốn cũng chỉ ở mức 80 tỷ đồng, và chắc chắn ngành TDTT thành phố sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn.

Nói đến bóng đá, Tổng Giám đốc Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa mong muốn thành phố quan tâm, kêu gọi thêm các nhà đầu tư hỗ trợ cũng như tạo điều kiện về cơ chế đối với những doanh nghiệp có sự ủng hộ bóng đá Đà Nẵng.

Không để “cái khó bó cái khôn”

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh ủng hộ quan điểm của Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng cũng như sự năng động của Sở VH-TT&DL trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khu nhà ở cho VĐV tại CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ.

Xác định việc triển khai chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV tài năng (giai đoạn 2015-2020), thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù với VĐV, HLV của thành phố là hết sức cần thiết, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính và Văn phòng UBND thành phố có sự ủng hộ đối với ngành TDTT, góp phần tháo gỡ  những vướng mắc trong điều kiện có thể.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Các ngành cần lưu ý chế độ đãi ngộ tài năng thể thao nhưng phải phù hợp với điều kiện của thành phố. Đồng thời, cần quan tâm đến “đầu ra” cho những VĐV xuất sắc. Ngành TDTT cần phối hợp tốt hơn nữa với ngành GD&ĐT để phát triển thể thao học đường bởi đây chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tương lai thể thao Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần lưu ý và có hướng ưu tiên trong việc bố trí quỹ đất để trong tương lai, thể thao Đà Nẵng có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Mặt khác, từ điều kiện thực tế của thành phố, ngành TDTT cùng các ngành liên quan phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với các công trình TDTT. Tương tự, ngành TDTT cần tập trung những môn mũi nhọn, có thành tích tốt như: điền kinh, cử tạ, bơi lội, bóng đá…

Việc tập huấn cho VĐV đỉnh cao, cần lựa chọn địa điểm, HLV phù hợp để không lãng phí kinh phí cũng như tài năng VĐV. Để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách, ngành TDTT cũng như CLB SHB Đà Nẵng cần cố gắng thu hút các doanh nghiệp, huy động nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh tiến trình xã hội hóa TDTT trên địa bàn thành phố”.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.