.

Thể thao Đà Nẵng: Chưa "an cư", không thể "lạc nghiệp"!

.

“Chưa bao giờ thể thao Đà Nẵng lại phân tán, manh mún như hiện tại khi vận động viên (VĐV) ở một nơi nhưng lại tập một nẻo. Nói gọn hơn, cơ sở vật chất (CSVC) của thể thao Đà Nẵng là kém nhất nước. Vì thế, từ chỗ chúng ta có 3/10 VĐV tiêu biểu của cả nước, bây giờ chẳng còn ai trong danh sách những VĐV tiêu biểu”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV) thành phố Đặng Đông Hải không giấu được sự chua xót khi nói về thể thao Đà Nẵng như thế.

Cơ sở tập luyện thể thao bị thu hẹp khiến những tài năng thể thao như Hoàng Quý Phước dần bị mai một.
Cơ sở tập luyện thể thao bị thu hẹp khiến những tài năng thể thao như Hoàng Quý Phước dần bị mai một.

Không thể khác bởi đến lúc này, ngoài Cung Thể thao Tiên Sơn, CLB Bơi lặn và CLB Đua thuyền Đồng Xanh - Đồng Nghệ, “tài sản” của ngành TDTT Đà Nẵng gần như… “trắng”! Song, ngay cả hai cơ sở này vẫn chưa thể được xem là hoàn thiện. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh cho biết, sau khi đầu tư giai đoạn 1 cùng với thời điểm Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) kết thúc, CLB Đua thuyền bỗng bị… bỏ mặc (!).

Vì thế, một trong hai căn phòng để chứa thuyền được biến thành chỗ ở của VĐV. Từ điều kiện sinh hoạt, ăn ở khó khăn và quá nhiều thiếu thốn, không ít VĐV đua thuyền đã bỏ về, dẫn đến tình trạng khủng hoảng lực lượng của bộ môn. Ngay cả Cung Thể thao Tiên Sơn lẫn CLB Bơi lặn cũng chỉ để phục vụ thi đấu chứ không phải những địa điểm để tập luyện.

Dù thành phố đã có những quan tâm đáng kể nhằm giúp ngành TDTT khắc phục những khó khăn nhưng vẫn tồn tại hàng loạt bất cập.

Theo những nhà chuyên môn, các VĐV cần tập luyện 2 buổi/ngày. Thế nhưng, khoảng cách quá xa giữa chỗ ở và địa điểm tập luyện khiến chất lượng huấn luyện không như mong muốn do khoảng thời gian luyện tập theo giáo án không bảo đảm. Hơn thế nữa, việc tập luyện tại các địa điểm thuê mướn hoặc được cho mượn cũng bị đứt quãng, nếu chủ sở hữu các công trình sử dụng địa điểm ấy cho những hoạt động khác. Chưa kể đến việc theo dõi, quản lý của cán bộ chuyên môn đối với công tác huấn luyện không thể sát sao.

Một vị lãnh đạo của thành phố thốt lên: “Không thể hình dung điều kiện sinh hoạt, tập luyện của VĐV Đua thuyền lại tệ đến như vậy!”. Và cũng chính vị lãnh đạo ấy đã thừa nhận, một phần không nhỏ trong quá trình chỉnh trang đô thị ảnh hưởng rất lớn đến các cơ sở vật chất của ngành TDTT thành phố.

Điển hình như cụm sân tennis tại CLB Thanh niên hay Trung tâm Thể thao người lớn tuổi phải di dời, và đến nay, thành phố vẫn chưa tìm được địa điểm để bố trí lại với những cơ sở thể thao này. Hay tại CLB Bơi lặn, Trung tâm HL-ĐT VĐV phải tận dụng một số phòng để làm việc. Dĩ nhiên, trong những thời điểm tổ chức thi đấu tại đây, phòng làm việc của Giám đốc Trung tâm được… trả lại để Ban tổ chức các giải sử dụng làm các phòng chức năng.

Tại một buổi lễ của ngành TDTT mới đây, một vị lãnh đạo khác của thành phố cũng chia sẻ với ngành TDTT khi xác nhận, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã có những biến động ảnh hưởng đến sự phát triển của thể thao Đà Nẵng khi cơ sở vật chất không thể đáp ứng công tác huấn luyện, đào tạo. Trong khi đó, ngân sách thành phố chưa thể đáp ứng việc xây dựng các trung tâm huấn luyện đúng chuẩn.

Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng với lòng tự trọng, đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV của thể thao Đà Nẵng vẫn quyết tâm giành 25-30 HCV cùng thứ hạng 5-7 đoàn dẫn đầu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) đang diễn ra. Có thể xem đây là sự may mắn khi lực lượng VĐV hiện có, từng được đào tạo, trưởng thành từ quá khứ. Thế nhưng, nếu cơ ngơi của ngành TDTT Đà Nẵng vẫn bị xem là “trắng”, quá khó hy vọng một sự thành công ở thì tương lai, mà Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018) là thước đo chính xác nhất!

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.
.