Cứ 4 năm một lần, Đại hội TDTT toàn quốc được tiến hành và một trong những mục đích chính vẫn là: “…khuyến khích các địa phương đào tạo VĐV tài năng…” và “…đánh giá lực lượng, trình độ phát triển thể thao thành tích cao trong cả nước, của từng địa phương, của các ngành Công an, Quân đội trong giai đoạn từ năm 2010-2014…”.
Thế nhưng, những năm gần đây, mục đích này dần bị phai nhạt do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chính căn bệnh thành tích đã tác động theo hướng không mấy khả quan đối với Đại hội TDTT toàn quốc.
Ngành TDTT Đà Nẵng đã phải dày công huấn luyện, đào tạo trong một thời gian dài mới có được những tài năng thể thao như Hoàng Quý Phước (ảnh). |
Từ việc chuyên nghiệp hóa từng bước, việc chuyển nhượng VĐV mang lại những hệ lụy đáng buồn và cả đáng tiếc cho thể thao thành tích cao. Ngay tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014) đã xảy ra không ít sự cố đáng để suy nghĩ.
Đầu tiên là việc Ban tổ chức cấm 14 tay vợt bóng bàn của 7 đơn vị gồm Hưng Yên, Vĩnh Long, Tiền Giang, Khánh Hòa, Quân đội, Bộ Công an, Hải Phòng không được thi đấu vì vi phạm quy chế chuyển nhượng. Sau những thỏa thuận, chỉ còn 5 VĐV của Hưng Yên là Vũ Mạnh Duy, Nguyễn Trung Kiên, Lê Đình Đức, Nguyễn Anh Đức, Đinh Anh Hoàng không được thi đấu do không có hợp đồng chuyển nhượng. Bởi cùng với HLV Vũ Mạnh Cường, các VĐV này đang thuộc biên chế của CLB Hà Nội T&T.
Theo quy chế, chỉ có 63 tỉnh, thành phố và hai đơn vị Quân đội, Công an mới được dự đại hội. Ban tổ chức không sai nếu căn cứ quy chế nhưng đừng quên rằng, CLB Petrosetco lại “biết cách” chuyển nhượng để VĐV của mình khoác áo các đơn vị khác.
Tệ hại hơn, ở trận chung kết hạng 66kg nam môn đấu vật giữa hai đô cử Bùi Thế Anh (Hà Nội) và Ngô Thế Sao (Quân đội), VĐV Duy Hợi đã từ khán đài lao xuống để… hành hung trọng tài, dù VĐV này đang khoác áo Cần Thơ. Thực tế, Duy Hợi là VĐV của Quân đội nhưng được “chuyển nhượng” cho Cần Thơ để thi đấu đại hội lần này. Vì thế, không ngẫu nhiên khi Duy Hợi bức xúc “giúp” VĐV Ngô Thế Sao dù hai đô cử này khoác áo 2 đơn vị khác nhau tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7.
Hẳn nhiên, ngành TDTT không phải không biết rõ việc các đơn vị, địa phương mua bán VĐV mà thực chất là mua bán thành tích. Song, sự lỏng lẻo của điều lệ lại tạo kẽ hở để các đơn vị, địa phương “lách luật” với mục tiêu giành những thành tích về cho đơn vị, địa phương mình.
Một cán bộ của Tổng cục TDTT thừa nhận, với cơ chế và công tác chuyển nhượng VĐV hiện nay, rất khó để đánh giá đúng sự phát triển trong công tác đào tạo, huấn luyện của các đơn vị, địa phương.
Để trả lại sự công bằng, khách quan trong việc đánh giá chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo VĐV của các đơn vị, địa phương, đã đến lúc ngành TDTT lẫn Bộ VH-TT&DL cần siết chặt quy chế chuyển nhượng VĐV hơn nữa. Nếu không, sự nỗ lực của những đơn vị, địa phương lẫn giá trị thực những chiếc huy chương sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN