Năm 2014, ngành TDTT Đà Nẵng khép lại với những thành công nhất định.
Cùng với nhiều bộ môn khác, cầu lông Đà Nẵng đang rất cần một khu nhà luyện tập để các VĐV có điều kiện luyện tập, nâng cao trình độ. |
Đặc biệt, việc hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bối cảnh toàn ngành thay đổi toàn diện lực lượng VĐV khi giảm thiểu tối đa việc chuyển nhượng, tập trung đào tạo nguồn lực do ngành tuyển sinh… là điểm sáng nổi bật. Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng tập trung phát triển những môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic cũng như các môn thể thao phù hợp tố chất của người Đà Nẵng, thay vì đầu tư tràn lan, thiếu trọng điểm.
Trong năm 2015, toàn ngành đặt ra mục tiêu giành 35-40 HCV tại các giải Vô địch quốc gia, 10 HCV các giải quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ HLV thông qua các lớp đào tạo, đào tạo nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong tình hình mới.
Theo đó, ngành TDTT sẽ rà soát, cắt giảm các VĐV, các bộ môn không có thành tích phát triển trong những năm gần đây cùng với việc chọn lọc, tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ VĐV thể thao đỉnh cao ở một số môn chủ lực, tham gia thành phần đội tuyển quốc gia tham dự các giải quốc tế.
Bên cạnh việc tìm kiếm những chuyên gia giỏi, những địa điểm tập huấn trong và ngoài nước có chất lượng cao để những VĐV chủ lực, xuất sắc tập huấn, sẽ tổ chức cho các VĐV trẻ có tố chất đi tập huấn nước ngoài, tham gia nhiều hơn các giải thi đấu quốc tế để nâng cao trình độ; các HLV cũng được tạo điều kiện đi thực tế trong và ngoài nước để đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Hằng năm sẽ phân loại, đánh giá trình độ chuyên môn của các HLV và có chế độ đãi ngộ công bằng, hợp lý hơn với những HLV xuất sắc.
Ngoài ra, ngành TDTT tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ cùng ngành GD-ĐT xây dựng các CLB thể thao tại các trường học, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng và thể thao học đường; giữa thể thao hiện đại và thể thao dân tộc. Xác định thể thao thành tích cao là động lực, góp phần phát triển thể thao quần chúng và thể thao trường học; thể thao quần chúng, thể thao học đường là cơ sở để phát triển thể thao thành tích cao.
Để hoàn thành tốt nhất những mục tiêu nói trên, ngành TDTT mong muốn lãnh đạo thành phố sớm phê duyệt Đề án chế độ đãi ngộ đối với các VĐV, HLV thể thao tài năng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV; trước mắt đầu tư giai đoạn 1 (2015 - 2016) gồm nhà làm việc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV, nhà tập thể thao đa năng (3 tầng, diện tích xây dựng hơn 3.300m2, gồm khu phục hồi chức năng, y tế, phòng tập các bộ môn võ, billiards, cờ vua, khiêu vũ thể thao, Aerobic, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, thể dục thể hình, cử tạ, bóng rổ), sân tập các môn điền kinh... (diện tích xây dựng 15.853m2 và tận dụng lớp thảm su tổng hợp tại sân vận động Chi Lăng về lắp đặt lại cho hạng mục công trình), khu nhà ở VĐV tại CLB đua thuyền cùng với việc phê duyệt kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV thể thao thành tích cao tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII (năm 2018).
Bài và ảnh: NGUYÊN AN