.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL NGUYỄN PHÚC LINH:

Chiến lược phát triển phải căn cứ thực tế

.

Vừa qua, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu ngành TDTT Đà Nẵng điều chỉnh “Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020”.

Sau khi những VĐV lớp trước như Nguyễn Thị Ngọc Ly giã từ thi đấu, Thể thao Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn khi công tác đào tạo trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Sau khi những VĐV lớp trước như Nguyễn Thị Ngọc Ly giã từ thi đấu, Thể thao Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn khi công tác đào tạo trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh về mục tiêu và những giải pháp để thể thao thành tích cao Đà Nẵng phát triển bền vững, tương xứng với vị thế của thành phố.

* Xin ông cho biết những chủ trương lớn để Thể thao Đà Nẵng bắt kịp thực tế phát triển của thể thao cả nước?

- Việc xây dựng “Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020” nhằm đưa Đà Nẵng trở thành “một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung” theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Đà Nẵng trong những năm đến. Trong đó, Thể thao Đà Nẵng phải trở thành một trong 4 trung tâm thể thao hàng đầu của cả nước. Vì thế, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Thể thao Đà Nẵng phải điều chỉnh chiến lược phù hợp với tình hình thực tế.

Để thực hiện tốt “Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020”, ngành TDTT sẽ phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ HLV và cán bộ quản lý đặc biệt tại Trung tâm Huấn luyện - đào tạo (HL-ĐT) VĐV, hợp đồng những HLV giỏi trong và ngoài nước đảm trách công tác huấn luyện đỉnh cao; có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ VĐV và HLV. Trong công tác tuyển sinh, cần tiến hành trên diện rộng và không chỉ giới hạn trên địa bàn thành phố để tìm ra những VĐV thích hợp. Bên cạnh việc đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, tập trung phục vụ cho công tác huấn luyện, VĐV các đội tuyển cần được trang bị đầy đủ quần áo, dụng cụ tập luyện và thi đấu. Ngoài việc ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, cần tăng cường thi đấu để tích lũy kinh nghiệm cho cả HLV lẫn VĐV.

* Liệu việc điều chỉnh “Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020” ảnh hưởng thế nào đối với Thể thao Đà Nẵng, thưa ông?

- Việc điều chỉnh này thực sự cần thiết do khả năng tài chính, cơ sở vật chất phục vụ cho yêu cầu huấn luyện, đào tạo cũng như đội ngũ HLV giỏi hiện nay còn thiếu trầm trọng và sẽ kéo dài. Vì thế, việc đầu tư dàn trải là hết sức lãng phí. Ngay cả Tổng cục TDTT cũng phải xem xét lại chính sách đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm và đã có chỉ đạo thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Việc điều chỉnh chiến lược không ảnh hưởng đến thành tích chung của Thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Cốt lõi vẫn do khâu đào tạo trẻ trong thời gian qua chưa tốt do những khó khăn khi ngành TDTT thiếu cơ sở đào tạo do quy hoạch của thành phố. Trong khi đó, các VĐV xuất sắc của Đà Nẵng bắt đầu lớn tuổi nhưng chúng ta vẫn chưa có các VĐV trẻ đủ sức thay thế.

Bắt nguồn từ thực tiễn, chúng ta cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao Olympic, những môn phù hợp với con người Đà Nẵng và văn hóa khu vực miền Trung cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế lẫn định hướng phát triển kinh tế của thành phố. Mặt khác, xây dựng chế độ đầu tư phù hợp cho những VĐV xuất sắc. Có như thế, Thể thao Đà Nẵng mới có thể phát triển bền vững và tốt hơn trong tương lai.

* Xin cảm ơn ông.

NGUYÊN AN thực hiện

;
.
.
.
.
.