Như nhiều địa phương khác, sau ngày đất nước thống nhất, Thể thao Đà Nẵng phải bắt đầu từ con số không.
Từ mối quan hệ gắn kết cùng thể thao học đường, thể thao Đà Nẵng đã phát hiện và đào tạo nên “kình ngư” Hoàng Quý Phước, góp phần đáng kể vào sự phát triển của thể thao thành tích cao Đà Nẵng trong những năm qua. |
Ngoài sân vận động Chi Lăng, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT chỉ có vài sân bóng đá phong trào như sân Xuân Hà (Thanh Khê), Hòa Cường (Hải Châu) hay Kim Liên (Liên Chiểu)… Không những thế, con người cho lĩnh vực này hầu như trắng.
Để tạo tiền đề cho tương lai, Ty TDTT Quảng Nam-Đà Nẵng lúc bấy giờ nhanh chóng bắt tay xây dựng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT (tiền thân của Trung tâm Huấn luyện - đào tạo VĐV hiện nay). Công tác tuyển sinh đã khó, điều kiện sinh hoạt, luyện tập cũng thiếu thốn trăm bề.
Thế nhưng, niềm tin vào tương lai trở thành động lực để thầy và trò Trường Năng khiếu khắc phục mọi trở ngại và từng bước gặt hái được những thành công. Đỉnh cao là thành tích vô địch cùng kỷ lục quốc gia tại giải Điền kinh toàn quốc 1984 của đội tuyển tiếp sức 4 x 400 mét nữ, với những cái tên: Huỳnh Thị Hồng, Nguyễn Thị Hồng, Phạm Thị Bảy, Nguyễn Thị Tám.
Các tay vợt bóng bàn Mai Công Trí hay Lê Thị Hoa cũng góp phần tạo nên tiếng vang cho thể thao đất Quảng qua những thành tích xuất sắc ở các giải vô địch quốc gia. Đồng thời, lứa cầu thủ bóng đá thuộc các lớp năng khiếu lần lượt trưởng thành để hình thành nên “thế hệ Vàng” của bóng đá Quảng Nam-Đà Nẵng như: Phan Công Thìn, Trương Văn Lợi, Hoàng Kim Tuấn, anh em Bùi Thông Tuân - Bùi Thông Tân …
Năm 1997, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thể thao Đà Nẵng từng bước chuyển mình với những tín hiệu lạc quan.
Hệ thống sân bãi được nâng cấp hoặc xây mới, công tác huấn luyện-đào tạo VĐV được định hướng phát triển đúng quy chuẩn. Đáng kể nhất là công trình sân vận động Chi Lăng được nâng cấp vào năm 2004, có quy mô 32.000 chỗ ngồi, trở thành một trong những sân vận động đẹp nhất cả nước. Với mục tiêu đưa thể thao Đà Nẵng vươn lên, tương xứng với vị thế của một thành phố đang phát triển, ngành TDTT Đà Nẵng cũng xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao.
Nhờ đó, lần đầu tiên Đà Nẵng đóng góp cho thể thao Việt Nam chiếc HCV SEA Games 20 (1999) của VĐV Karatedo Vũ Kim Anh. Lần lượt những Hoàng Quý Phước (bơi lội), chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc - Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)… tiếp tục góp phần làm rạng danh thể thao Đà Nẵng, không những trên đấu trường quốc gia mà còn cả đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, do yêu cầu chỉnh trang đô thị, không ít cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, đào tạo đã bị giải tỏa như sân vận động Chi Lăng, nhà tập luyện Taekwondo, khu nhà ở của VĐV. Vì thế, các VĐV phải tập luyện phân tán tại các cơ sở thuê, mượn… nhưng không đúng công năng.
Để thể thao Đà Nẵng vượt thoát qua những khó khăn phía trước, tự thân ngành TDTT đã có những động thái tích cực, thay vì chờ đợi “phép mầu”.
Nói về việc điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao (giai đoạn đến năm 2020) theo yêu cầu của thành phố, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh cho biết, hiện nay, Trung tâm Huấn luyện-đào tạo VĐV đang tổ chức đào tạo 26 môn thể thao với kinh phí hầu như từ ngân sách Nhà nước.
Trong tình hình thực tế, việc đầu tư như thế là không phù hợp nên ngành TDTT sẽ tập trung đầu tư cho những môn trong hệ thống thi đấu của Olympic, những môn phù hợp với con người Đà Nẵng. Mặt khác, sự đầu tư phải phù hợp với điều kiện cũng như định hướng phát triển kinh tế của thành phố.
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư cho những VĐV tốt nhất và cho những môn trọng điểm. Muốn tạo được sự phát triển lâu dài, bền vững, ngành TDTT còn tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng ngành GD-ĐT xây dựng các CLB thể thao tại các trường học, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng và thể thao học đường; giữa thể thao hiện đại và thể thao dân tộc.
BẢO AN