.

Chủ nhà SEA Games 2021 có thể là TP.HCM

.

Bộ VH-TT&DL đang làm tờ trình xin ý kiến Thủ tướng xem xét và đồng ý cho VN đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 (SEA Games 31).

Khán giả trên sân vận động Thống Nhất TP.HCM khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2003. Ảnh: N.K
Khán giả trên sân vận động Thống Nhất TP.HCM khi Việt Nam đăng cai SEA Games 2003. Ảnh: N.K

SEA Games là đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á được tổ chức hai năm một lần và thuộc Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF). Trước đó năm 2003, lần đầu tiên VN là chủ nhà của SEA Games 22 diễn ra tại Hà Nội. Sau 18 năm, SEA Games có thể sẽ quay trở lại VN và chủ nhà có thể là TP.HCM.

SEAGF đề nghị VN đăng cai SEA Games 2021

Ngày 19-3, ông Chris Chan - chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của SEAGF - đã có thư gửi ông Hoàng Tuấn Anh - chủ tịch Ủy ban Olympic VN - về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021.

Trong thư, ông Chris Chan cho biết: “Theo hiến chương SEAGF, SEA Games sẽ được tổ chức hai năm một lần quay vòng đăng cai theo thứ tự A, B, C. Trong cuộc họp hội đồng SEAGF tổ chức tại Singapore ngày 29-4-2014, hội đồng đã thống nhất Malaysia sẽ có trách nhiệm tổ chức SEA Games 29 năm 2017, Brunei tổ chức SEA Games 30 năm 2019, VN tổ chức SEA Games 31 năm 2021, Campuchia tổ chức SEA Games 32 năm 2023.

Hội đồng Olympic Malaysia đã xác nhận tổ chức SEA Games 29 năm 2017, nhưng các quốc gia khác vẫn chưa xác nhận. Do đó tôi đề nghị Ủy ban Olympic VN xin phép Chính phủ xác nhận bằng văn bản về việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021. Chính phủ VN nên đảm bảo đại hội sẽ được tổ chức theo đúng hiến chương và điều lệ SEAGF. Trân trọng đề nghị công bố thư đảm bảo này tại phiên họp hội đồng SEAGF ngày 4-6-2015 ở Singapore”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Mạnh - tổng thư ký Ủy ban Olympic VN - cho biết việc đăng cai SEA Games không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực góp mặt ở đại hội. Theo trình tự, lẽ ra SEA Games 32 năm 2023 mới đến lượt VN đăng cai, nhưng do Ủy ban Olympic Campuchia đã xin phép cho Campuchia được đăng cai SEA Games vào năm 2023 nên SEAGF đề nghị VN đăng cai sớm hơn hai năm (năm 2021). Việc xác nhận đăng cai đại hội của chính phủ và ủy ban Olympic các quốc gia diễn ra càng sớm càng tốt, muộn nhất là bốn năm trước khi đại hội diễn ra.

Theo điều lệ SEAGF, trong trường hợp khi một ủy ban Olympic quốc gia được trao quyền đăng cai SEA Games mà không có khả năng tổ chức phải thông báo cho hội đồng trước ít nhất một năm từ khi được trao quyền. Việc đăng cai tổ chức đại hội sẽ được chuyển cho ủy ban Olympic quốc gia kế tiếp theo thứ tự quy định.

SEA Games 2021 có thể diễn ra tại TP.HCM

Ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết theo quy trình, sau khi SEAGF có thư yêu cầu Chính phủ VN xác nhận việc đăng cai SEA Games 2021, Bộ VH-TT&DL sẽ làm tờ trình xin ý kiến Thủ tướng. Dự kiến trong tuần tới Bộ VH-TT&DL sẽ gửi tờ trình xin phép Chính phủ cho đăng cai SEA Games 2021.

Nếu Thủ tướng đồng ý, sau đó Ủy ban Olympic VN sẽ có câu trả lời với SEAGF trong phiên họp vào ngày 4-6. Trong trường hợp VN đồng ý đăng cai đại hội, Ủy ban Olympic VN sẽ được giao quyền xây dựng đề án đăng cai và tổ chức đại hội. Trường hợp Chính phủ không đồng ý cho đăng cai thì Ủy ban Olympic VN phải thông báo sớm cho SEAGF để họ biết bố trí quốc gia khác thế chỗ.

Theo quan điểm của ông Vương Bích Thắng, việc đăng cai SEA Games 2021 là cần thiết đối với thể thao VN. Ông Thắng cho biết: “Tổ chức SEA Games là quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia tham dự đại hội. VN đã đi tham dự đại hội ở nhiều quốc gia thì đến lượt VN phải là chủ nhà của đại hội theo hiến chương của SEAGF. Việc tổ chức SEA Games có ý nghĩa lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất thể thao và hạ tầng xã hội, động viên phong trào thể thao phát triển và góp phần đào tạo thêm VĐV cho thể thao VN”.

Trong trường hợp Chính phủ đồng ý cho đăng cai SEA Games 2021, ngành thể thao dự kiến sẽ tổ chức SEA Games 2021 tại TP.HCM bởi hiện nay chỉ có Hà Nội và TP.HCM là có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu tổ chức SEA Games. Nếu tổ chức ở Hà Nội thì thuận lợi hơn vì gần như không phải xây dựng thêm công trình lớn nào. Tuy nhiên Hà Nội từng đăng cai SEA Games 2003, việc đem SEA Games vào TP.HCM sẽ giúp đầu tư thêm cơ sở vật chất cho thể thao TP.HCM - nơi có tiềm lực kinh tế mạnh nhất cả nước nhưng cơ sở vật chất thể thao chưa tương xứng.

TP.HCM phải xây dựng nhiều cơ sở vật chất nếu đăng cai

Ông Vương Bích Thắng cho biết trong trường hợp được đăng cai SEA Games 2021, TP.HCM sẽ phải xây một sân vận động mới hoặc tối thiểu phải cải tạo tốt sân vận động Thống Nhất. Ngoài ra TP.HCM sẽ phải xây thêm một bể bơi đạt chuẩn để tổ chức thi đấu môn bơi lội và môn nhảy cầu. Nếu có điều kiện kinh tế có thể xây dựng bể bơi trong nhà có mái che, nếu không thì không cần thiết.

Bể bơi ở TP.HCM xây dựng cũng đỡ tốn kém hơn bể bơi tại khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (xây dựng cho SEA Games 2003) vì không phải lắp đặt hệ thống làm nóng nước do TP.HCM không có mùa đông nên không cần phải có nước ấm.

Hiện nay TP.HCM có bể bơi Phú Thọ nhưng chưa đạt tiêu chuẩn để tổ chức một đại hội như SEA Games. Ngoài ra hệ thống cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM về cơ bản đáp ứng yêu cầu để tổ chức SEA Games, điều kiện nơi lưu trú, an ninh... được đánh giá cao.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.