Khởi tranh từ ngày 6-6, điền kinh được xem như “đội quân tiên phong” của thể thao Việt Nam tại Singapore 2015.
Cùng với Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (ảnh) là một trong những niềm “hy vọng Vàng” của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28 - Singapore 2015. |
Với 63 thành viên, trong đó có 47 VĐV và tranh tài 38/46 nội dung thi đấu, đội tuyển điền kinh sẽ đóng vai trò chủ lực khi được giao chỉ tiêu 10-11 HCV trong tổng số 60-70 HCV của đoàn thể thao Việt Nam.
Thế nhưng, rất nhiều thách thức đang đặt ra với các tuyển thủ Việt Nam.
Với nhiều người, điền kinh được xem là thế mạnh của Thái Lan. Người Thái từng thiết lập nhiều kỷ lục điền kinh ở các nội dung chạy tiếp sức, ném lao và rất mạnh trong các nội dung chạy, nhảy, ném - đẩy. Tại SEA Games 27 - Myanmar 2013, đội tuyển điền kinh Thái Lan giành được 17 HCV và xác lập 8 kỷ lục mới.
Trong đó, các kỷ lục gia nổi tiếng gồm những ngôi sao Jamras Rittidet (110m vượt rào nam), Tantipong Phetchaiva (ném búa nam), Peerachet Jantra (ném lao nam), Sukanya Chomchuendee (nhảy sào nữ) và Subenrat Insaeng (ném đĩa nữ). Khi SEA Games 28 đến gần, tất cả lại chờ đợi nam VĐV Jarapong Meenapra trổ tài. Trên đường chạy tại Naypyidaw (Myanmar 2013), VĐV 22 tuổi này đã xuất sắc giành 3 HCV ở các nội dung chạy 100 mét, 200 mét và tiếp sức 4 x 100 mét.
Bên cạnh đó, một thế hệ mới của nước chủ nhà Singapore cũng đang sẵn sàng tỏa sáng.
Điền kinh Singapore từng có những VĐV tên tuổi như nữ VĐV 10.000 mét và marathon Yvonne Danson, nam VĐV giữ kỷ lục marathon tại SEA Games (2 giờ 24 phút 22 giây tại Chiang Mai 1995) Murugiah Rameshon, huyền thoại ném đĩa nam James Wong hay VĐV chạy nước rút phi thường Umaglia Kancanangai Shyam Dhuleep. Kế tiếp các huyền thoại ấy là nam VĐV marathon Mok Ying Ren, nữ VĐV đẩy tạ Zhang Guirong và nữ VĐV ném đĩa Du Xianhui - những người đã góp phần quan trọng để Singapore đoạt 8 HCV tại SEA Games 27.
Bên cạnh đó, đội nam tiếp sức 4 x 100 mét vẫn còn Muhammad Amirudin Bin Jamal, Lee Cheng Wei và Calvin Kang. Nữ VĐV 19 tuổi Shanti Veronica Pereira cũng đang là niềm hy vọng lớn của nước chủ nhà khi đạt thông số 11 giây 80 (cự ly 100 mét, giải điền kinh Singapore 2015 mở rộng), 23 giây 99 (cự ly 200 mét, giải điền kinh Trẻ châu Á 2014) và giành 1 HCB (cự ly 200 mét) cùng 1 HCĐ (cự ly 100 mét) tại giải điền kinh trẻ châu Á 2014. Cũng trong năm 2014, cô gái trẻ này còn giành quyền vào bán kết 200 mét nữ tại Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung 2014 tại Glasgow (Scotland).
Trong khi đó, theo Phó Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, ở những nội dung Việt Nam có thể tranh chấp HCV, các quốc gia trong khu vực đều xuất hiện những gương mặt nhiều triển vọng. Dù chỉ giành HCB SEA Game 27 nhưng nữ VĐV nhảy cao Thái Lan Wanida Boowan đã đạt đến mức xà 1,85 mét (tại ASIAN Games Incheon 2014) và vượt qua thành tích giành HCV SEA Games 27 của Dương Thị Việt Anh (1,84 mét). Tại hố nhảy xa, HCB ASIAD Bùi Thị Thu Thảo (6,44 mét) cũng không dễ dàng khi gặp lại cô gái Indonesia Maria Natalia Londa, đương kim vô địch ASIAD và có thành tích khá ổn định với mức nhảy 6,50 - 6,55 mét.
Dù lạc quan hơn khi Quách Thị Lan có sự tiến bộ ở nội dung chạy 400 mét nữ lẫn chạy 44 mét rào nhưng các đối thủ Thái Lan Treewade Yongphan (400 mét) hay Wassana Winatho (400 mét rào) không thể xem thường, khi họ chính là đương kim vô địch ở 2 nội dung trên. Và dù Trần Huệ Hoa đạt thông số tương đối khả quan (13,97 mét) tại hố nhảy 3 bước, so với Thitima Muangjan (Thái Lan) chỉ đạt 13,68 mét nhưng Maria Natalia Londa (Indonesia) luôn đạt mức 14 mét, với thành tích cao nhất 14,17 mét.
Nếu hy vọng thì “sáng giá” nhất vẫn là nội dung đi bộ nữ lẫn nam với chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào chừng đó, quá khó để điền kinh Việt Nam đạt được mục tiêu như mong muốn.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN