Thể thao

Thể thao Đà Nẵng: Một SEA Games chưa như ý

07:46, 18/06/2015 (GMT+7)

Đóng góp vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam 5 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ nhưng đây không hẳn là một kết quả như mong muốn của Thể thao Đà Nẵng, khi SEA Games 28 kết thúc.

Dù rất nỗ lực nhưng trước những đối thủ quá mạnh cùng với sự đầu tư vượt trội, cơ thủ Nguyễn Thanh Bình (trái) hay “kình ngư” Hoàng Quý Phước (phải) đã không thể giành được kết quả như mong muốn. 					                                             Ảnh: Reuters
Dù rất nỗ lực nhưng trước những đối thủ quá mạnh cùng với sự đầu tư vượt trội, cơ thủ Nguyễn Thanh Bình hay “kình ngư” Hoàng Quý Phước (ảnh dưới) đã không thể giành được kết quả như mong muốn. Ảnh: Reuters

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh, ở một số nội dung thi đấu, các VĐV Đà Nẵng chưa thể đạt kết quả tốt, từ nhiều lý do. Ngoài thất bại của Judo-ka Nguyễn Đình Lộc hay VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng, việc cơ thủ Nguyễn Thanh Bình không thể giành HCV ở nội dung cá nhân Billiards Anh (500) rất đáng tiếc. Trong trận chung kết, đối mặt với tay cơ người Anh nhập tịch của Singapore và từng 2 lần vô địch thế giới (1994 và 2001) Peter Gilchrist, dù rất cố gắng nhưng Nguyễn Thanh Bình phải thúc thủ với tỷ số 291-501.

Trong khi đó, nỗ lực đáng ghi nhận của “dị nhân sông Hàn” Hoàng Quý Phước cũng chỉ giúp “kình ngư” này giành được 1 HCV và 1 HCĐ do những đối thủ như Joseph Schooling (Singapore), Sim Welson Wee Sheng (Malaysia) vừa được đầu tư tốt hơn, vừa mạnh hơn tay bơi người Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số nội dung thi đấu của Hoàng Quý Phước lại do Ban huấn luyện đội tuyển quyết định đăng ký mà thiếu sự tham khảo từ đơn vị chủ quản Đà Nẵng, dẫn đến Hoàng Quý Phước phải tham gia thi đấu ở không ít cự ly không phải sở trường. Và thất bại là điều không ngoài dự đoán.

Nếu xét về chỉ tiêu huy chương đăng ký, với thành tích này, các VĐV Đà Nẵng chỉ mới hoàn thành mục tiêu đề ra, chứ chưa phải là xuất sắc. Để có thể đóng góp nhiều hơn cho Thể thao Việt Nam trong tương lai, còn quá nhiều trăn trở với Thể thao Đà Nẵng.

 

Với những VĐV giành HCV tại SEA Games 28 như Phạm Thị Huệ (3 HCV Rowing), Nguyễn Thị Thanh Phúc (1 HCV Đi bộ) hay Hoàng Quý Phước (1 HCV Bơi 200 mét tự do)… đều là những gương mặt từng có thành tích từ trước. Và rất dễ thấy được một khoảng trống quá lớn phía sau những VĐV này, trong một tương lai không xa.

Trong khi đó,  cơ sở vật chất vẫn chưa bảo đảm là một hạn chế rất lớn đối với công tác đào tạo lực lượng kế cận của Thể thao Đà Nẵng, rồi năng lực của đa phần HLV cũng chỉ đảm trách được công tác đào tạo ban đầu chứ chưa thể huấn luyện thành tích cao… Hay những hạn chế trong công tác tuyển sinh do quan niệm của nhiều phụ huynh coi thể thao chưa phải là một nghề! Một trở ngại nữa là tương lai của từng VĐV sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu luôn là nỗi khắc khoải lớn…

Gần đây nhất, ngành TDTT thành phố đã trình UBND thành phố Đề án “Chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV tài năng thành phố, giai đoạn 2015-2020” và đã nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành liên quan cũng như ý kiến thống nhất của lãnh đạo thành phố. Theo ông Nguyễn Phúc Linh, nếu đề án này được triển khai, tương lai Thể thao Đà Nẵng mới có được những tín hiệu khả quan. Và điều này đồng nghĩa với việc những đóng góp của Thể thao Đà Nẵng cho thể thao nước nhà ở đấu trường quốc tế sẽ đạt hiệu quả cao hơn như kỳ vọng, thay vì chỉ tạm hài lòng như những gì các VĐV Đà Nẵng từng gặt hái được ở SEA Games 28.

NGUYÊN AN

.