.

Những tấm huy chương vì bệnh thành tích!

.

Những ngày qua, việc Nguyễn Thị Ánh Viên giành đến 7 HCV tại giải Bơi các nhóm tuổi châu Á 2015 diễn ra ở Thái Lan không còn được đón nhận với sự hào hứng.

Ánh Viên rất cần sự đầu tư đúng hướng, thay vì tham gia quá nhiều giải đấu không cần thiết như hiện nay.
Ánh Viên rất cần sự đầu tư đúng hướng, thay vì tham gia quá nhiều giải đấu không cần thiết như hiện nay.

Việc Ánh Viên giành chiến thắng trước những đối thủ cùng tuổi, dù ở sân chơi châu lục, trở thành tất yếu. Đơn giản, cô đã ở một đẳng cấp khác hẳn so với rất nhiều kình ngư cùng độ tuổi.

Chính sự khác biệt ấy khiến những thành công mới nhất của Ánh Viên được nhìn nhận với nhiều giác độ khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung vẫn xem việc Ánh Viên được cử tham gia giải đấu này chẳng khác việc “đem dao mổ trâu để cắt cổ gà”! Bởi lẽ, từ những thành tích của Ánh Viên, Hiệp hội Thể thao dưới nước lẫn bộ môn Bơi lội (Tổng cục TDTT) sẽ có một bản “báo cáo đẹp” khi tổng kết cuối năm.

Hay nói thẳng hơn, căn bệnh thành tích trở thành nỗi ám ảnh thường trực với những người có trách nhiệm. Vì thế, những chiếc HCV, dù có giá trị hay không về mặt chuyên môn, thực sự quan trọng trong những bản báo cáo.

Trong một phát biểu trên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) - lý giải: “Việc cử Ánh Viên dự giải không nhằm mục đích cao nhất là lấy huy chương mà muốn thực hiện nhiều bài “test” đối với cô. Ánh Viên đang bước vào chu kỳ huấn luyện thứ hai của sự nghiệp, chu kỳ được đánh giá là cực kỳ quan trọng.

Giải nhóm tuổi châu Á chính là thuốc thử đầu tiên của chu kỳ này”. Song, thực tế, việc phải thi đấu ở một giải có đẳng cấp thấp so với trình độ của mình, rất khó đòi hỏi nỗ lực cao nhất ở bất kỳ VĐV nào và Ánh Viên không phải là ngoại lệ. Đáng nói hơn, cũng trong khoảng thời gian này, Cúp Bơi lội thế giới 2015 đang diễn ra chặng 3 (tại Hong Kong, ngày 25 và 26-9), chặng 4 (tại Bắc Kinh, ngày 29 và 30-9) và chặng 5 (tại Singapore, ngày 3 và 4-10).

Trước đó, HLV Đặng Anh Tuấn, người dẫn dắt trực tiếp cô gái Cần Thơ này, từng xác nhận: Ánh Viên sẽ tham gia tranh tài cả 8 chặng của Cúp Bơi lội thế giới 2015. Chính ở đấu trường này với những đối thủ “đồng cân, đồng lạng”, Ánh Viên mới có điều kiện cạnh tranh cao nhất, bộc lộ khả năng tốt nhất cũng như những khiếm khuyết; qua đó, HLV Đặng Anh Tuấn mới có thể điều chỉnh, giúp học trò của mình từng bước hoàn thiện trước khi hướng đến mục tiêu giành thành tích tốt nhất tại Olympic Rio de Janeiro 2016.

Đáng ngạc nhiên khi sau đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng cho biết, việc Ánh Viên bỏ thi 3 chặng của Cúp Bơi lội thế giới 2015 và tham gia thi đấu giải Bơi các nhóm tuổi châu Á 2015 là “hoàn toàn đúng với kế hoạch của Hiệp hội cũng như của Ban huấn luyện đề ra” (?). Hoàn thành nhiệm vụ tại Thái Lan, Ánh Viên tiếp tục cùng đoàn thể thao Việt Nam sang Hàn Quốc tham dự Đại hội Thể thao quân sự thế giới từ ngày 7 đến 10-10, trước khi trở lại thi đấu ở Cúp Bơi lội thế giới 2015 tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 28-10 tới.

Với lịch trình thi đấu như thế này cùng việc phải di chuyển liên tục, không thể nói rằng, phong độ lẫn thể lực của Ánh Viên không bị ảnh hưởng. Như thế, liệu rằng, kế hoạch huấn luyện - như ông Đinh Việt Hùng xác định - đã chuẩn hay chưa? Để những nỗ lực của các tài năng thể thao như Ánh Viên không bị phí hoài một cách vô nghĩa, rất cần một định hướng chiến lược - cả trong tập luyện lẫn thi đấu - thay vì cách làm ngẫu hứng chỉ để có những chiếc HCV vô nghĩa!

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.