.

Điền kinh Nga bị cấm thi đấu quốc tế tạm thời

.

Rạng sáng 14-11, sau cuộc nhóm họp và bỏ phiếu kín, Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) đã quyết định tạm cấm điền kinh tham dự các giải đấu quốc tế trong thời gian tới, trong đó có cả Olympic 2016 do dùng doping.

Các VĐV điền kinh Nga sẽ bị cấm thi đấu trong thời gian tới. Ảnh: EPA
Các VĐV điền kinh Nga sẽ bị cấm thi đấu trong thời gian tới. Ảnh: EPA

Cuộc bỏ phiếu nhận được sự thống nhất rất cao của các thành viên khi có tới 22/23 người đồng ý trừng phạt Nga vì để các VĐV dùng doping. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, chủ tịch IAAF Sebastian Coe cho biết: “Đây là một lời cảnh tỉnh đáng xấu hổ. Thông điệp không thể mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi đang tranh luận xem gian lận ở cấp độ nào là không thể dung thứ. Toàn bộ hệ thống doping của các thành viên đã thất bại trong việc ngăn các VĐV, không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới”.

Với án phạt này, điền kinh Nga sẽ không được tham gia tranh tại tại Olympic Rio de Janiero 2016 vào năm sau, và các giải đấu điền kinh khác trên phạm vi toàn thế giới. Ngoài ra, Nga cũng không được đăng cai Giải World Cup Race 2016 (diễn ra tại Cheboksary vào tháng 5-2016) và Giải World Junior Championships 2016 (diễn ra tại Kazan vào tháng 7-2016).

Đây là án phạt tạm thời và án phạt sẽ được dỡ bỏ hoặc thu hẹp phạm vi nếu điều kinh Nga có những bước cải thiện trong thời gian tới.

Diễn biến vụ doping và tham nhũng trong làng điền kinh thế giới

Ngày 3-12-2014: Đài truyền hình Đức ARD cho phát sóng phim tài liệu: "Hồ sơ doping bí mật” - Nga đã sản xuất ra những người chiến thắng như thế nào (kéo dài 60 phút) cáo buộc các VĐV Nga sử dụng doping có hệ thống và được sự “hỗ trợ của chính phủ”.

Ngày 5-12-2014: Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kêu gọi điều tra về cáo buộc doping nói trên.

Ngày 11-12-2014: Chủ tịch ARAF kiêm Giám đốc tài chính Liên đoàn điền kinh Quốc tế (IAAF) là ông Valentin Balakhnichev cùng Papa Masssta Diack (con trai chủ tịch IAAF Lamine Diack) - cựu cố vấn của IAAF - quyết định từ chức vì những cáo buộc tham nhũng.

Ngày 16-12-2014: WADA thành lập một Ủy ban độc lập gồm ba người đứng đầu là cựu Giám đốc WADA Dick Pound (Canada). Ủy ban này tiến hành điều tra, xem xét về những cáo buộc doping và tham nhũng được đưa ra bởi kênh truyền hình Đức ARD vào ngày 3-12.

Ngày 1-8-2015: Thêm một cơn rúng động nữa khi đài truyền hình Đức ARD phát sóng tập phim tài liệu thứ hai: “Doping tối mật - Bóng tối của làng điền kinh thế giới”. Bộ phim tài liệu này đưa ra cáo buộc doping nhắm vào các VĐV Nga và Kenya. Kênh truyền hình ARD và nhật báo The Sunday Times (Anh) cho biết, họ đã tiếp cận được kết quả của 12.000 cuộc xét nghiệm máu từ 5.000 VĐV và nhận thấy một mức độ “gian lận không thể tưởng tượng” trong làng điền kinh thế giới. Phóng sự này cũng cáo buộc IAAF “đồng lõa” khi đã không theo dõi những kiểm tra đáng ngờ của hàng trăm VĐV bao gồm một số nhà vô địch thế giới và các HCV Olympic.

Ngày 19- 8-2015: Ông Sebastian Coe (Anh) đắc cử chủ tịch IAAF sau những tuyên bố quyết liệt về việc diệt trừ vấn nạn doping.

Ngày 4-11-2015: Cảnh sát tại thủ đô Paris (Pháp) buộc tội cựu chủ tịch IAAF Lamine Diack (82 tuổi, Senegal) tham nhũng và nhận hối lộ để bao che cho các VĐV sử dụng doping. Ông Diack cũng bị buộc tội rửa tiền. Cố vấn pháp lý của ông Diack là Habib Cisse và cựu bác sỹ chống doping của IAAF Gabriel Dolle bị buộc tội tương tự.

Ngày 6-11-2015: IAAF hủy buổi lễ Gala trao giải hàng năm dự kiến diễn ra ngày 28-11. Nguyên nhân được chủ tịch Coe giải thích là: “Không phải thời điểm thích hợp để tổ chức Gala trong khi môn điền kinh đang ở thời điểm vô cùng đen tối”.

Ngày 9-11-2015: WADA công bố bản báo cáo điều tra doping và kêu gọi cấm các VĐV Nga thi đấu tại Olympic Rio vì phát hiện những VĐV nước này sử dụng doping có hệ thống và được "chính phủ ủng hộ".

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.