Tại giải Bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á lần thứ 39 (2015) vừa diễn ra tại Đà Nẵng, những “kình ngư” trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm (lứa tuổi 14-15 nữ) và Trần Duy Khôi (lứa tuổi 16-18 nam) tiếp tục có những màn thể hiện hết sức thuyết phục. Đóng góp tuyệt vời của Phương Trâm và Duy Khôi đã giúp đoàn Việt Nam giành thứ hạng nhì toàn đoàn, sau đoàn Singapore rất mạnh.
Vẫn cần định hướng đầu tư chuyên biệt và phù hợp, thay vì dàn trải, để những tài năng như Phương Trâm (ảnh) có hướng phát triển tốt hơn trong tương lai. |
Thế nhưng, chính sự xuất sắc vượt trội của Phương Trâm và Duy Khôi lại khiến những ai quan tâm đến bộ môn bơi Việt Nam lo nhiều hơn vui.
Chưa nói đến sự đóng góp vào thành tích chung ở các nội dung đồng đội hoặc hỗn hợp nam - nữ, chỉ riêng ở những nội dung cá nhân, Phương Trâm đã giành đến 9 HCV, phá 5 kỷ lục nhóm tuổi và Duy Khôi giành 6 HCV, phá 4 kỷ lục nhóm tuổi.
Hoàn toàn chính xác nếu khẳng định, chính hai “kình ngư” này đã góp phần quyết định vào thành công của bơi Việt Nam tại giải đấu này. Dù vẫn còn có những Nguyễn Hữu Kim Sơn (lứa tuổi 13 nam), Nguyễn Huy Hoàng, Huỳnh Mẫn Đạt (lứa tuổi 14-15 nam), Trần Ngọc Thi (lứa tuổi 13 nữ), Lê Thị Loan (lứa tuổi 14-15 nữ), nhưng không thể phủ nhận, Nguyễn Diệp Phương Trâm hay Trần Duy Khôi chính là lứa kế cận xứng đáng của Nguyễn Thị Ánh Viên hay Hoàng Quý Phước để giúp Việt Nam từng bước trở thành một “cường quốc bơi lội” trong khu vực và vươn ra đấu trường quốc tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những nội dung mà Phương Trâm giành được HCV, quá khó để thấy được đâu là nội dung sở trường để có thể tập trung đầu tư theo hướng chuyên sâu cho “kình ngư” này. Bởi trong số 9 HCV mà cô gái này giành được, Phương Trâm đã thành công ở 4 nội dung tự do (các cự ly 50 mét, 100 mét, 200 mét và 400 mét), 2 nội dung hỗn hợp (các cự ly 200 mét và 400 mét) và 3 nội dung bướm (các cự ly 50 mét, 100 mét và 200 mét).
Đáng nói, trong 5 lần phá kỷ lục nhóm tuổi, Phương Trâm đã lập 3 kỷ lục mới ở các cự ly 50 mét, 100 mét và 200 mét tự do. Ngoài ra, “kình ngư” này còn lập 2 kỷ lục mới ở các nội dung 100 mét bướm và 400 mét hỗn hợp. Ngược lại, trong thành tích HCV cùng 4 kỷ lục mới của mình, Trần Duy Khôi cho thấy rất rõ thành công của anh đến từ các nội dung bơi ngửa (các cự ly 50 mét, 100 mét, 200 mét) và 2 nội dung hỗn hợp (200 mét và 400 mét) cùng một nội dung bơi ếch duy nhất với cự ly 200 mét.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng (Sở VH-TT&DL thành phố) Nguyễn Đông Hải, các nước trong khu vực đã khẳng định thế mạnh của mình trên “đường đua xanh” từ rất lâu. Nếu Philippines vượt trội về các cự ly tự do thì người Thái rất mạnh về các nội dung hỗn hợp cũng như ếch, trong khi Malaysia chiếm ưu thế về bơi bướm.
Đây cũng là những quốc gia rất mạnh về các nội dung nam. Singapore lại rất mạnh trên đường bơi nữ và họ chỉ chia sẻ thế mạnh với Thái Lan về các nội dung ngửa và ếch. Vì thế, ngoài một số tài năng vượt trội như tay bơi nam Joseph Schooling (Singapore), lực lượng VĐV của các quốc gia này khá “dày”.
Tất cả đều được đầu tư không chỉ có chiều sâu mà còn cả diện rộng; thay vì, chỉ tập trung vào một vài VĐV xuất sắc. Mặt khác, xác định được ưu thế ở từng nội dung, từng cự ly, các VĐV hàng đầu trong khu vực còn được huấn luyện theo giáo án chuyên biệt, thay vì dàn trải ở nhiều nội dung.
Đã đến lúc bơi Việt Nam cần tập trung đầu tư chiều sâu cho những tài năng trẻ như Phương Trâm, Duy Khôi hay những Kim Sơn, Huy Hoàng, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Ngọc Thi, Lê Thị Loan... Có như thế, việc hướng đến những thành quả cao hơn ở đấu trường khu vực mới sớm trở thành hiện thực.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN