Niềm vui chưa dứt khi Becamex chính thức tài trợ để Quân đoàn 4 mang tên mới - Quân đoàn 4 Becamex, thì chỉ một ngày sau, CLB bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã bất ngờ tuyên bố giải thể dù thành lập được 7 năm và có thành tích rất tốt khi từng 1 lần vô địch quốc gia, 2 lần quân quốc gia.
Bóng chuyền Việt Nam đang trả giá cho cách làm chuyên nghiệp nửa vời. |
Đây là một bất ngờ. Tiền thân là đội bóng chuyền Quân khu 5 và năm 2009, sau cuộc “se duyên” cùng tập đoàn ĐLGL, đội Quân khu 5 từng bước chuyển đổi để mang tên ĐLGL kể từ năm 2011.
Trong chừng ấy năm, ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐLGL, không tiếc tiền đổ vào, biến CLB này thành một thế lực thực sự trong làng bóng chuyền Việt Nam. Nhưng chỉ vì đội bóng phải dự tranh “chung kết ngược” ở mùa giải này, có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp nên Tập đoàn ĐLGL đã quyết định chia tay cùng HLV Bùi Quang Ngọc và các VĐV.
Cùng lúc, thông tin về việc hàng loạt CLB khác, trong đó có không ít CLB của Quân đội bị giải thể, càng khiến không khí chung của bóng chuyền Việt Nam trở nên u ám hơn bao giờ. Theo đó, Bộ Quốc phòng chỉ cho phép giữ lại CLB nam Thể Công Binh đoàn 15 và CLB nữ Thông tin Liên Việt Postbank với nguồn ngân sách được cấp.
Đối với các đội bóng còn lại, nếu không muốn giải thể thì phải tạo được nguồn kinh phí xã hội hóa, hoặc trích từ ngân sách đơn vị. Hiện nay, Quân đội có 2 đội nữ và 8 đội nam tham gia thi đấu tại giải Vô địch quốc gia cùng 2 đội thi đấu tại giải hạng A toàn quốc. Vì thế, nếu điều này trở thành sự thật, bóng chuyền Việt Nam phải chịu xáo trộn đáng kể.
Những năm trước, bóng chuyền Việt Nam từng mất đi rất nhiều đội bóng lớn như: Seaprodex, Dệt Thành Công, Dệt Nam Định, Bưu điện Hà Nội…
Gần đây, không ít CLB nổi tiếng khác như đội nam Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đội nữ Vietso Petro, đội nữ Dầu khí Thái Bình Dương… cũng lần lượt biến mất trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam. Dù được giải thích rằng, tài chính là trở ngại chủ yếu khi mỗi đội bóng chuyền tiêu tốn 3-4 tỷ đồng/năm nhưng rõ ràng đó không phải là khó khăn quá lớn, nhất là với những doanh nghiệp mạnh.
Thực ra, sự tồn tại của các đội bóng vẫn lệ thuộc vào tính “ngẫu hứng” của các ông chủ, hơn là những khó khăn tài chính. ĐLGL là một minh chứng. Không những thế, sự lệ thuộc quá lớn vào một ông chủ không chỉ khiến các đội phải thường xuyên “thay tên, đổi họ” mà tương lai của cả một tập thể cũng hết sức bấp bênh.
Rõ ràng, thực trạng của bóng chuyền chẳng khác mấy bóng đá Việt Nam. Việc tự chủ tài chính hoặc nói theo ngôn ngữ văn hoa là “chuyên nghiệp hóa”, rốt cuộc cũng chỉ là “cách nói”, thay vì “cách làm”. Thử hỏi, đã có CLB bóng đá chuyên nghiệp nào của Việt Nam đã “tự chủ được tài chính”, đúng với mô hình một doanh nghiệp, dù các CLB đều trực thuộc các Công ty CP Thể thao hoặc Công ty CP Bóng đá?
Bóng đá đã thế, bóng chuyền làm sao hy vọng!
Thể thao nói chung, bóng chuyền và bóng đá nói riêng, vẫn cần chuyển đổi mô hình sang hướng chuyên nghiệp mới hy vọng bắt nhịp với thời đại và nâng cao chất lượng giải đấu cũng như chất lượng của chính bộ môn, tạo nền tảng vững chắc cho đội tuyển quốc gia. Thế nhưng, quan trọng là việc xây dựng và thực hiện lộ trình, thay vì tiến hành theo kiểu “đốt giai đoạn” như hiện tại.
Đã có câu hỏi “Tại sao trước kia, thời bao cấp, cả bóng đá lẫn bóng chuyền Việt Nam đều có sức thu hút mạnh mẽ với chất lượng rất cao?”. Hỏi, tức là trả lời và rất cần câu trả lời bằng những giải pháp cụ thể từ những nhà điều hành, để bóng chuyền Việt Nam không phải chịu tiếng “nghiệp dư lãnh lương cao”!
Bài và ảnh: BẢO AN