.
Sổ tay

Coi chừng té đau

.

Cuối cùng, đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Rio De Janeiro 2016 cũng nhận được chỉ tiêu từ Bộ VH-TT&DL là giành chiếc HCV lịch sử (!?).

Dĩ nhiên, đây không phải là một yêu cầu bắt buộc khi giành huy chương Olympic đã khó, nói gì đến HCV danh giá. Có người cho rằng, yêu cầu ấy sẽ là động lực để các VĐV Việt Nam nỗ lực cao nhất trên đấu trường thế giới. Nhưng với những người tỉnh táo, mục tiêu ấy chẳng khác “hái sao trên trời”.

Mặc dù chúng ta vẫn có những tài năng thể thao như Nguyễn Thị Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn, Hoàng Xuân Vinh... Song, chừng đó đã đủ chưa cho mục tiêu danh giá nhất khi đấu trường Olympic không dành cho những “tay mơ”! Ngay như Ánh Viên xuất sắc và được đầu tư chiều sâu đến vậy nhưng ở Cúp Bơi lội thế giới - vốn không thu hút những “kình ngư” hàng đầu tham gia thi đấu - “tiểu tiên cá” của Việt Nam cũng hết sức vất vả để chỉ giành được 1 HCB, 1 HCĐ.

Trong khi đó, xạ thủ lão làng 42 tuổi Hoàng Xuân Vinh - từng giành HCV Cúp bắn súng thế giới 2013 ở nội dung 10 mét súng ngắn hơi - vẫn chưa khắc phục được yếu tố tâm lý. Tại Olympic London 2012, anh từng bắn trượt loạt cuối và đánh mất chiếc HCĐ khá đáng tiếc.

Với Thạch Kim Tuấn, chiến thắng quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại với đô cử này, chính là việc anh cần phải chiến thắng chấn thương lưng và gối kéo quá dài; thay vì hướng đến một tấm huy chương danh giá tại Olympic Rio 2016.

Lẽ nào, chúng ta hướng đến mục tiêu HCV Olympic trong bối cảnh như thế? Chỉ với cách tập trung đầu tư của thể thao Việt Nam so với Thái Lan, Singapore cũng được xem là “một trời, một vực”. Nói gì đến các “siêu cường thể thao” khác như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Đức, Hàn Quốc... Cho nên, thể thao Việt Nam không thể nhập cuộc với kiểu “tay không bắt giặc” như thế. Hay nói như người xưa: “Trèo cao, té đau”. Và với thể thao Việt Nam cũng vậy. Mơ cho cao, lại coi chừng té đau!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.