Thể thao

70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH THỂ DỤC-THỂ THAO (27-3)

Thể thao Đà Nẵng hướng đến tương lai

08:29, 26/03/2016 (GMT+7)

Cách đây chừng 20 năm, việc giành được huy chương vàng quốc gia là quá khó với thể thao Đà Nẵng, nói gì đến việc thành công trên đấu trường quốc tế. Hy hữu lắm mới có được những tài năng vượt trội như các VĐV Karatedo Vũ Kim Anh, Nguyễn Văn Quyền... ở đấu trường châu lục. Thế nhưng, khoảng 20 năm trở lại đây, chính thể thao đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh thành phố và con người Đà Nẵng với bạn bè quốc tế, từ những thành công trên đấu trường khu vực, châu lục lẫn thế giới.

Sự động viên, khen thưởng kịp thời của thành phố với những thành tích xuất sắc cũng là một động lực quan trọng với đội ngũ HLV, VĐV Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao thưởng cho thành tích giành quyền đến Olympic Rio 2016 của VĐV điền kinh Nguyễn Thành Ngưng.
Sự động viên, khen thưởng kịp thời của thành phố với những thành tích xuất sắc cũng là một động lực quan trọng với đội ngũ HLV, VĐV Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trao thưởng cho thành tích giành quyền đến Olympic Rio 2016 của VĐV điền kinh Nguyễn Thành Ngưng.

Đằng sau thành công của ngành TDTT chính là sự quan tâm, đầu tư rất đáng kể của lãnh đạo thành phố. Chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” nhằm thu hút những tài năng thể thao về đầu quân cho Đà Nẵng được xem là bước đột phá rất quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của thể thao Đà Nẵng.

Gần đây nhất, thành phố tiếp tục ban hành chế độ đãi ngộ dành cho HLV và VĐV xuất sắc, càng tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV trong việc tạo dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước.

Bên cạnh các chính sách, chế độ, thành phố cũng dành cho ngành TDTT những ưu ái đáng kể với việc đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng phần lớn nhu cầu tập luyện, đào tạo. Do những biến động khách quan, gần đây, không ít cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện, đào tạo đã bị giải tỏa như sân vận động Chi Lăng, khu nhà ở của VĐV...

Vì thế, các VĐV phải tập luyện phân tán tại các cơ sở thuê, mượn... nhưng lại không đúng công năng. Không để “cái khó bó cái khôn”, việc điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao (giai đoạn đến năm 2020) theo yêu cầu của thành phố được xem là một động thái quan trọng của ngành TDTT.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh khẳng định: “Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện - đào tạo VĐV đang tổ chức đào tạo 26 môn thể thao với kinh phí hầu như từ ngân sách Nhà nước. Trong tình hình thực tế, việc đầu tư như thế là không phù hợp nên ngành TDTT sẽ tập trung đầu tư cho những môn trong hệ thống thi đấu của Olympic, sau đó là những môn phù hợp với con người Đà Nẵng hoặc văn hóa khu vực miền Trung. Mặt khác, sự đầu tư phải phù hợp với điều kiện cũng như định hướng phát triển kinh tế của thành phố. Ngoài ra, cũng cần tập trung đầu tư cho những VĐV tốt nhất và cho những môn trọng điểm.

Sự “vén khéo” ấy không chỉ giúp các VĐV Đà Nẵng mang về cho quê hương hàng trăm huy chương các loại mỗi năm mà còn tạo được những ấn tượng đẹp về con người Đà Nẵng, thông qua sự góp mặt của những Nguyễn Thị Thanh Phúc, Trần Lê Quốc Toàn ở các giải đấu cấp châu lục hay đấu trường Olympic London 2012. Gần đây nhất, cùng với đô cử Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thành Ngưng trở thành những đại diện xuất sắc nhất của thể thao Đà Nẵng tại Olympic Rio 2016.

Về cơ sở vật chất, thành phố cũng có những giải pháp hợp lý để thể thao Đà Nẵng không bị tụt hậu. Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân với diện tích 130 hecta đã được thành phố phê duyệt và đang trong giai đoạn thi công. Cùng với Cung Thể thao Tiên Sơn, CLB Bơi lặn Đà Nẵng, còn có CLB Đua thuyền Đồng Nghệ..., cơ sở vật chất cho ngành TDTT Đà Nẵng đã có được những giải pháp phù hợp. Tất cả những điều đó đã mở đường để thể thao Đà Nẵng hướng đến tương lai. Còn lại vẫn là những nỗ lực tự thân của ngành TDTT, bởi một sự “chậm chân” cũng chẳng khác những bước lùi nếu thể thao Đà Nẵng vẫn còn ước vọng vươn đến những tầm cao mới...

Bài và ảnh: BẢO AN

.