.

Nỗi khổ chủ nhà ABG 5

.

Được trao quyền đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016) là một vinh dự rất lớn với thành phố Đà Nẵng; bởi đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và thành phố bên sông Hàn nói riêng.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (thứ hai, phải sang) và Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng (thứ nhất, trái sang) rất quan tâm trong việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức ABG 5 - 2016 của thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ (thứ hai, phải sang) và Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng (thứ nhất, trái sang) rất quan tâm trong việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức ABG 5 - 2016 của thành phố Đà Nẵng.

Ngay sau khi được trao cơ hội, chính quyền và ngành TDTT Đà Nẵng hết sức tích cực trong công tác chuẩn bị. Cùng với việc thành lập các tiểu ban chuyên môn địa phương, lãnh đạo thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành theo nghiệp vụ chuyên môn của từng đơn vị.

Bên cạnh đó, ngành TDTT đã đưa các đoàn của Hội đồng Olympic châu Á (OCA), Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT khảo sát địa điểm tổ chức khai mạc, bế mạc cũng như các khu vực tổ chức thi đấu và địa điểm ăn, ở cho các đại biểu khách mời, các đoàn VĐV về tham gia thi đấu ABG 5 - 2016.

Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành TDTT đã triển khai lắp đặt và tổ chức thành công lễ khai trương đồng hồ đếm ngược trước một năm của ABG 5 - 2016. Ngoài nhiệm vụ tổ chức thành công các cuộc họp về công tác chuẩn bị ABG 5 tại địa phương, công tác tuyên truyền, quảng bá đã được triển khai thường xuyên, liên tục.

Đặc biệt, trong các sự kiện văn hóa - thể thao quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Đà Nẵng, ngành TDTT rất linh hoạt trong việc lồng ghép tuyên truyền cho ABG 5.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia chuẩn bị và tổ chức ABG 5 - 2016, thay mặt ngành TDTT thành phố, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Phúc Linh thừa nhận, Đà Nẵng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tất cả đều bắt nguồn từ việc kinh phí chưa được phê duyệt.

Vì thế, dù đã xây dựng kịch bản sơ bộ lễ khai mạc và bế mạc, Nhà hát Ca - Múa - Nhạc chưa thể hoàn chỉnh kịch bản do chưa xác định được quy mô chương trình. Trong khi đó, dự án, hồ sơ thiết kế về cơ sở hạ tầng phục vụ ABG 5 - 2016 đã hoàn chỉnh song cũng chưa thể triển khai.

Do bị chi phối bởi Quy chế vận động tài trợ và khai thác quyền sử dụng thương hiệu ABG 5 nên việc vận động tài trợ cho công tác tuyên truyền ABG 5 của Đà Nẵng cũng bị động. Hơn thế nữa, việc bố trí ăn, nghỉ cho các đối tượng tham gia ABG 5 - nhất là các đoàn VĐV - chưa được quyết định rõ nét, nhất là trong việc hỗ trợ chi phí ăn, ở và lưu trú khi các khách sạn được bố trí phục vụ ABG 5 đều có tiêu chuẩn tối thiểu ba sao. Trong khi đó, Ban tổ chức chỉ được phép thu mỗi VĐV 50 USD/ngày!

Vì thế, dù Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh có yêu cầu thành phố Đà Nẵng: “Phối hợp với Ban tổ chức ở Trung ương xây dựng các phương án bố trí khách sạn đủ tiêu chuẩn; đồng thời có hình thức hỗ trợ giá thuê phòng dịch vụ cho Ban tổ chức ABG 5 đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức một Đại hội Thể thao châu Á” hay “Sớm triển khai dự án chuẩn bị hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các môn thi trong chương trình đại hội” và “thành phố Đà Nẵng và Nhà hát Ca - Múa - Nhạc hoàn thành kịch bản và triển khai tập luyện lễ khai mạc và lễ bế mạc ABG 5”, nhưng xem ra, tất cả không dễ dàng gì.

Bởi lẽ, nguồn kinh phí phân bổ để Đà Nẵng triển khai công việc vẫn chưa được cấp. Trong khi đó, quỹ thời gian ngày mỗi cạn dần. Và nỗi khổ của chủ nhà Đà Nẵng vẫn còn nguyên bởi câu hỏi: “Tiền đâu?”!

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.