.
Câu chuyện thể thao

Thôi đi những lời "có cánh"!

.

Từ khá lâu, bóng đá Thái Lan nói riêng và thể thao nói chung luôn là nỗi ám ảnh thường trực của Việt Nam. Theo thời gian, khoảng cách ấy ngày càng được nới rộng. Điều đó khiến “nỗi đau” của thể thao Việt Nam cứ mãi kéo dài.

Mới đây, việc Tập đoàn Football Thai Factory Sporting Good (Công ty sản xuất thiết bị thể thao Thái Lan - FBT) trở thành một trong những nhà tài trợ chính cho Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5 - 2016) hay thành công của đội tuyển bóng đá Thái Lan khi giành quyền vào vòng loại thứ ba World Cup 2018 (khu vực châu Á) chắc hẳn buộc những người có trách nhiệm phải suy nghĩ.

Gần đây nhất, CLB Leicester City đang hướng đến danh hiệu vô địch Premier League 2015-2016, cũng gắn với tên tuổi của người Thái. Tất cả cho thấy, sự khác biệt giữa hai nền thể thao nói chung đều bắt nguồn từ cách nghĩ, đến cách làm.

Khoản tài trợ bằng hiện vật, có giá trị quy đổi 964.300 USD (tương đương 21,6 tỷ đồng) từ Tập đoàn FBT không phải là một mức tài trợ vượt quá khả năng của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng, những ông chủ ở V-League sẵn sàng bỏ mỗi năm tối thiểu 30 tỷ đồng để nuôi các đội bóng của mình.

Xa hơn, tại SEA Games lần thứ 25 (năm 2009) được tổ chức ở Lào, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tài trợ cho nước chủ nhà đến 14 triệu USD. Để đổi lại khoản tiền tài trợ rất lớn ấy, Công ty Cổ phần HAGL cũng nhận được những quyền lợi tương ứng.

Thế nhưng, với một đại hội thể thao tầm châu lục và được tổ chức ngay tại quê nhà, vì sao các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà trong việc hợp tác cùng những nhà tổ chức? Do vậy, đến lúc này, kinh phí tổ chức vẫn là mối lo rất lớn đối với Việt Nam. Rõ ràng, chính sách ưu đãi dành cho những nhà tài trợ chưa thỏa đáng cũng là một trở ngại đáng kể đối với công tác vận động tài trợ cho ABG 5 - 2016.

Trong bóng đá, một thời, chúng ta từng tự hào V-League là giải đấu tầm cỡ số một khu vực. Song theo thời gian, việc giẫm chân tại chỗ - thậm chí, thụt lùi - khiến V-League phải lẽo đẽo theo sau Thai Premier League hay các giải Vô địch quốc gia Singapore, Malaysia...

Chính điều này đã tác động xấu đến chất lượng bóng đá Việt Nam cũng như đội tuyển Việt Nam. Chỉ tính ở vòng đấu bảng, dù rất nỗ lực nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn phải chịu khuất phục trong cả hai lượt trận khi gặp Thái Lan (thua 0-1 và 0-3), chịu xếp hạng ba ở bảng F; trong khi đó, Thái Lan sớm chiếm ngôi đầu bảng trước khi vòng đấu cuối cùng khai diễn.

Thậm chí, đội bóng của HLV Kiatisuk Senamuang còn đặt mục tiêu tiến xa hơn tại vòng loại World Cup 2018. Trước tuyên bố của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) về mục tiêu này, không ít người đã... đàm tiếu và cho rằng, người Thái sẽ thua “lấm lưng, trắng bụng” trước những Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran hay Úc ở vòng loại thứ ba! Nhưng có sao đâu. Để chuẩn bị cho tương lai, sự cọ xát như thế này hoàn toàn không vô ích. Ngược lại, nếu cứ sợ thất bại, thành công chẳng bao giờ có được.

Nhìn xa hơn, sự đầu tư của tỷ phú Vichai Srivaddhanaprabha - người sở hữu Công ty King Power, chuyên bán hàng miễn thuế ở các sân bay - vào CLB Ngoại hạng Anh Leicester City từ năm 2011 đến nay, đã mang lại quả ngọt.

Dĩ nhiên, mục tiêu kinh doanh vẫn là hàng đầu và thực tế, thương hiệu King Power không còn xa lạ với toàn cầu. Bên cạnh đó, chính sự tự hào và tự tôn dân tộc - là thứ mà tiền bạc không thể mua nổi - đã tạo cảm hứng, giúp gia đình Srivaddhanaprabha tiếp tục vững bước trong khoảng thời gian đầu đầy khó khăn, sau khi sở hữu CLB Leicester.

Có lẽ, từ thực tế, đã đến lúc thể thao cũng như bóng đá Việt Nam cần thay đổi cách nghĩ, cách làm và thôi đi những lời “có cánh”. Nếu không, không chỉ Thái Lan mà những Singapore, Malaysia... sẽ còn tiếp tục vượt qua chúng ta trong một tương lai rất gần!

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.