.

Cầu lông Đà Nẵng: Cần bản lĩnh để vượt khó

.

Sau một thời kỳ được xem là hoàng kim, cầu lông Đà Nẵng đang bước vào một giai đoạn không ít khó khăn, bởi rất nhiều nguyên nhân.

Để duy trì sự bền vững của phong trào, DBF cần phải tự “làm mới” mình về mọi mặt.
Để duy trì sự bền vững của phong trào, DBF cần phải tự “làm mới” mình về mọi mặt.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng (DBF) Vũ Ngọc Liên, những năm gần đây, cầu lông quần chúng có sự bão hòa về số lượng. Nỗi lo càng lớn khi hàng loạt CLB từng có nhiều đóng góp cho phong trào như CLB Hoàng Diệu, CLB Công an thành phố, CLB Văn Khoa… hoặc đã giải thể, hoặc đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

Bên cạnh đó, những CLB khá mạnh như CLB Bình Hiên phải thay đổi thường xuyên sân tập… Những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đồng hành thường xuyên cùng cầu lông Đà Nẵng cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng phong trào. Đó là những nguyên nhân dẫn đến một số giải đấu được dự kiến nhưng không được tiến hành trong thời gian qua.

Tuy nhiên, điều may mắn là thời gian gần đây đã xuất hiện hàng loạt CLB tư nhân, có sự đầu tư chiều sâu như CLB Ngọc Hạnh, CLB Ẩm thực Trần cùng sự phát triển bền vững của những CLB “đàn anh” như CLB Dệt-may 29-3, CLB Bình Hiên, CLB Công an quận Cẩm Lệ… đã tạo được một nền tảng khá vững chắc cho cầu lông Đà Nẵng.

Mặt khác, sự nhiệt tình của một số thành viên Ban Chấp hành cùng những vị cố vấn như ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt-may 29-3, đã góp phần đáng kể vào việc duy trì hoạt động, từng bước ổn định và phát triển phong trào.

Chính sự nhiệt tâm cùng niềm đam mê của những con người ấy đã tạo được niềm tin để Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, Công ty Nam Việt Á, Hãng cầu 999 của Nhà sản xuất Tiến Lợi (Hà Nội)… hay gần đây nhất là Công ty TNHH MTV Ẩm thực Trần, trở thành những “đối tác” truyền thống của cầu lông Đà Nẵng.

Dù vẫn có hơn 10.000 người tập luyện cầu lông thường xuyên hoạt động trong 55 CLB, Chủ tịch DBF Vũ Ngọc Liên thừa nhận, bản thân DBF phải tự “làm mới” mình để cầu lông Đà Nẵng phát triển tương xứng với sự phát triển của thể thao Đà Nẵng, cũng như sự phát triển của thành phố.

Trước hết, cần phải tận dụng “nguồn vốn” quý giá là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố; sự hỗ trợ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của những doanh nghiệp đã ủng hộ DBF… những năm qua. Nhưng cốt lõi vẫn là nỗ lực tự thân của từng thành viên DBF trong việc xây dựng, phát triển phong trào bằng những hoạt động cụ thể, phù hợp với năng lực, vị trí công việc của từng người. Nếu không, thành quả của quá khứ sẽ trở thành vô nghĩa khi cầu lông Đà Nẵng đang rất cần một sự tương tác từ nhiều phía để có thể vượt qua những khó khăn phía trước.

Bài và ảnh: NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.