Tổ chức Ân xá quốc tế đã có những cáo buộc về việc Qatar- nước chủ nhà World Cup 2022 - có dấu hiệu “bóc lột có hệ thống” và “cưỡng bức” đối với hàng trăm lao động nhập cư từ châu Á trong quá trình thi công các sân vận động, phục vụ World Cup 2022.
Một người lao động nhập cư đã bày tỏ sự bất bình khi đưa ra tấm thẻ với nội dung: “Thẻ đỏ cho FIFA. Không có World Cup khi người lao động không được bảo đảm quyền lợi”. Ảnh: AFP |
Theo tổ chức này, những người lao động đang cải tạo sân vận động quốc tế Khalifa bị buộc phải sống trong điều kiện ăn ở “bẩn thỉu”, không được trả lương hằng tháng cũng như bị tịch thu hộ chiếu. Thậm chí, có 7 công nhân còn bị ngăn cản khi muốn về nhà để giúp đỡ gia đình sau trận động đất tàn phá Nepal vào năm 2015. Mustafa Qadri, một nhà nghiên cứu về di trú của tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, “đây là một kỳ World Cup dựa trên sự bóc lột lao động”.
Báo cáo dài 50 trang của Tổ chức Ân xá quốc tế lên án FIFA cũng như chính quyền Qatar “thờ ơ với điều kiện sinh hoạt và làm việc kinh khủng của lao động nhập cư”. Những điều tra trước đó cũng cho thấy, việc triển khai các dự án cho World Cup 2022 từng bộc lộ rõ nét sự bóc lột cũng như dẫn đến cái chết của hàng nghìn lao động nhập cư từ những quốc gia nghèo khó nhất thế giới.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, việc vi phạm quyền lợi của người lao động được công khai, sau ba chuyến thực tế và kéo dài hằng năm của Tổ chức Ân xá quốc tế. Bản báo cáo này dựa trên các cuộc phỏng vấn 234 lao động nhập cư - chủ yếu đến từ Bangladesh, Ấn Độ và Nepal, đang cải tạo, nâng cấp sân vận động Khalifa (Doha) cũng như các dự án tại trung tâm thể thao Aspire Zone (Doha).
Qua phỏng vấn, 228 lao động nam cho biết, mức lương nhận được thấp hơn so với những hứa hẹn ban đầu. Hầu hết đều không có lựa chọn nào khác, dù họ phải trả “lệ phí tuyển dụng” đến 4.300 USD để được vào Qatar làm việc, bất chấp đây là một việc làm bất hợp pháp theo luật Qatar.
Những người lao động đều khẳng định, mức lương của họ chỉ còn một nửa so với hứa hẹn ban đầu; người sử dụng lao động không cho họ gia hạn giấy phép lưu trú để những người có ý định bỏ trốn sẽ bị cảnh sát bắt giam; lao động nhập cư cũng bị tịch thu hộ chiếu nên sẽ không được rời khỏi Qatar; hầu hết đều không được trả lương trong nhiều tháng.
Deepak - một công nhân nhập cư - cho biết: “Cuộc sống ở Qatar giống như một nhà tù. Người quản lý đã nói với tôi, nếu phàn nàn, tôi có thể sẽ nhận những hậu quả. Muốn được yên ổn ở lại Qatar, tôi phải tiếp tục làm việc”.
Theo Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế Salil Shetty: “Việc bóc lột lao động nhập cư là một vết nhơ của lương tâm bóng đá thế giới. Đối với các cầu thủ và người hâm mộ, một sân vận động của World Cup là địa điểm của giấc mơ. Nhưng đối với những công nhân mà chúng tôi đã trò chuyện, nó là một cơn ác mộng. Mặc dù FIFA từng có lời hứa cách đây 5 năm nhưng rõ ràng, tổ chức quản lý bóng đá thế giới bất lực hoàn toàn trong việc ngăn chặn World Cup được xây dựng bằng sự vi phạm nhân quyền”.
Trước những cáo buộc này, Giám đốc Điều hành Ủy ban tổ chức World Cup 2022 Hassan al-Thawadi thừa nhận, đã có tình trạng bóc lột nhưng cam kết với sự “rõ ràng và kiên định”, sẽ có những cải cách. Trong đó, lưu tâm đến việc cải thiện chế độ tiền lương, nhà ở cho công nhân cũng như xử phạt với những nhà thầu có tên trong báo cáo; đồng thời, chấm dứt hợp đồng với Công ty cung ứng lao động Seven Hills - nơi đã nợ lương công nhân. Trước áp lực của Tổ chức Ân xá quốc tế tác động lên các nhà tài trợ World Cup lớn như Adidas, Coca Cola và McDonald, ông Hassan al-Thawadi khẳng định, World Cup sẽ không được xây dựng trên “máu của những người vô tội”.
BẢO AN