Chẳng biết bao nhiêu lần rồi John Terry (ảnh) nói câu ấy, trên sân bóng giữa biển người hò reo, trong phòng họp báo hay trước đám đông hâm mộ vây quanh. “Tôi muốn ở lại! Tôi sẽ kết thúc sự nghiệp ngay tại sân bóng này…”, giọng anh có lúc nghẹn ngào.
Ở Stamford Bridge buổi chiều cuối cùng của mùa giải này cũng vậy. Trong bộ thường phục vì không thể ra sân do bị truất quyền thi đấu ở vòng đấu trước, lững thững bên người vợ yêu quý trên mặt cỏ sau tiếng còi mãn cuộc, Terry không ngừng hướng mắt về bốn phía xung quanh.
Ở đó, từng góc khán đài trương lên các biểu ngữ khuyên anh ở lại và kêu gọi ban lãnh đạo Chelsea tiếp tục hợp đồng với trung vệ của mình. Sóng người đồng loạt bật dậy reo vang: “Terry, hãy ở lại với chúng tôi!”. Mắt người đàn ông 35 tuổi từng trải qua biết bao cay đắng ngọt bùi sân cỏ rớm lệ. Nước mắt hạnh phúc phút chốc nói với anh rằng sẽ khó khăn và bất hạnh vô cùng nếu anh không được phép làm theo tiếng gọi con tim.
Cuối cùng thì ước nguyện của anh và bao người yêu bóng đá ở sân bóng dành cho giới trung lưu này của thủ đô London cũng thành hiện thực. Lãnh đạo Chelsea quyết định ký tiếp hợp đồng có thời hạn 1 năm với người đội trưởng chung tình. Tình cảm và sức ép từ cổ động viên có thể là động lực lớn nhất khiến ông chủ giàu có Abramovich đi đến quyết định này.
Tân huấn luyện viên Conte có thể cũng nhận ra rằng việc tận dụng sức đóng góp của lão tướng này là việc làm khôn ngoan nhằm củng cố sức mạnh tinh thần cho đội bóng và cho chính mình vào lúc ngồi vào "ghế nóng".
Hơn 700 trận chơi cho Chelsea từ lúc bắt đầu sự nghiệp vào năm 1998 với 4 chức vô địch giải ngoại hạng, Terry chắc chắn sẽ là chỗ dựa trận mạc cần thiết, là sợi chỉ kết nối sức mạnh và kinh nghiệm nhiều thế hệ. Có anh trong đội hình, nỗi hụt hẫng tâm lý hẳn sẽ bớt đi rất nhiều.
Khán đài sẽ lại nồng ấm, đồng đội sẽ tự tin hơn mỗi lần vào trận nhưng cũng chính vì nỗi mong chờ ấy mà bản thân lão tướng sân cỏ này phải bắt đầu chuỗi ngày khó khăn trước mặt. Ở lại với Chelsea là tâm nguyện, là lẽ sống nhưng đó cũng là một quyết định dũng cảm đối với một cầu thủ đã vơi đi rất nhiều độ linh hoạt, nét sung mãn ngày nào.
Làm sao đòi hỏi nơi anh bây giờ những lần xoạc bóng dũng mãnh, những cú liều mình bật cao đánh đầu cứu nguy trong gang tấc, những pha tăng tốc xông lên xé nát hàng thủ đối phương! Đồng đội hẳn không chờ đợi người đội trưởng của mình giữ hoài hình vóc thủ lĩnh; huấn luyện viên mới cũng không thể đòi hỏi anh tiếp tục vai trò rường cột ở mọi trận địa, nhưng Terry nào nghĩ như thế! Với anh, khi đã ra sân thì chẳng thể nào vơi đi chất máu lửa. Đã là đầu tàu thì không thể khiến bao người thất vọng.
Thách thức vì thế với một Terry tự trọng nghề nghiệp sẽ thêm nặng nề. Khao khát ở lại để tiếp tục cống hiến cho màu áo quen thuộc và mang niềm vui đến với khán giả là điều chính đáng nhưng anh làm sao chống lại được quy luật nghiệt ngã của thời gian! Không còn sung sức nhưng đã dũng cảm chiều theo ước nguyện xỏ giày vào sân thì nay anh phải liều mình. Biết đâu có ngày nước mắt lại rơi...
ĐÌNH XÊ