Cô bé Hanan Khaled Daqqah (12 tuổi) người Syria, một người tị nạn chiến tranh cùng gia đình đang bắt đầu cuộc sống mới ở Sao Paulo (Brazil) cho biết, em cảm nhận mình như một người Brazil khi trở thành một trong những người vinh dự tham gia cuộc rước đuốc Olympic Rio 2016.
Hanan Khaled Daqqah là người thứ sáu, được vinh dự cầm đuốc Olympic trong chặng rước đuốc trên đất Brazil. Ảnh: Andre Mourao |
Hanan bày tỏ cảm xúc về đất nước đã dang tay đón nhận gia đình mình, sau khi họ chạy trốn khỏi quê hương đang bị chiến tranh tàn phá và được sắp xếp định cư ở thành phố lớn nhất Brazil: “Tôi rất hạnh phúc khi là một trong những người cầm đuốc Olympic. Tôi không bao giờ tưởng tượng tôi có thể có khoảnh khắc này. Tôi yêu con người Brazil, tôi cảm thấy mình như một người dân Brazil”. Khi được hỏi, liệu cô có thông điệp nào cho những người tị nạn trên thế giới, Hanan cho biết: “Tôi mong rằng, tất cả mọi người có thể sống trong hòa bình, không có chiến tranh và họ có thể sống với tất cả bạn bè của họ”.
Gia đình của Hanan Khaled Daqqah phải rời bỏ ngôi nhà của họ ở Idlib, vùng tây bắc Syria, sau khi cha cô bé bị bắt giam và bị đe dọa, do đã giúp đỡ những người bạn thoát khỏi đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Sau khi sống suốt hai năm rưỡi trong trại tị nạn Zaatari ở Jordan, gia đình Hanan bắt đầu một cuộc sống mới ở Sao Paulo vào năm 2015, theo một chương trình giúp đỡ nhân đạo của Chính phủ Brazil. Theo Chính phủ Brazil, có khoảng 8.000 người Syria đã được cấp thị thực nhập cảnh theo sáng kiến hòa bình của các tổ chức nhân đạo thế giới.
Hanan sống với cha mẹ, anh trai, cô em gái cùng gia đình người chú trong một căn hộ nhỏ ở Sao Paulo. Mẹ cô đang mang thai nên Hanan sẽ sớm có một người em trai gốc Brazil. Hanan học tại một trường công lập gần nhà. Đến lúc này, cô đã nói được tiếng Bồ Đào Nha khá lưu loát và có nhiều bạn bè người Brazil. “Những người bạn của tôi sẽ rất vui khi tôi trở lại trường học”, Hanna cho biết.
Một người tị nạn Syria khác là VĐV bơi lội Ibrahim Al-Hussein, người bị mất một chân trong vụ đánh bom liều chết khi còn ở Syria, cũng được tham gia rước đuốc và trong tuần qua, anh đã cầm đuốc Oylmpic ngang qua một trại tị nạn ở Athens (Hy Lạp). Trong khi đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã thống nhất để các VĐV đang tị nạn chiến tranh thành lập một đội tuyển, tham gia tranh tài tại Olympic Rio De Janeiro 2016, dưới lá cờ Olympic.
Được biết, Hanan được lựa chọn để tham gia rước đuốc Olympic Rio 2016, sau khi Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Brazil có những gợi ý cùng những nhà tổ chức. Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người tị nạn của Brazil (Conare) Beto Vasconcelos cho biết: “Olympic là một sự kiện quốc tế, tiêu biểu cho sự đoàn kết, tôn trọng và hòa bình giữa các dân tộc. Vì vậy, nó là cơ hội kêu gọi toàn bộ sự chú ý đến một thực trạng buồn của cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong 70 năm qua”.
NGUYÊN AN