.

Trần Vũ - rồi cũng thấy niềm vui

.

Dù muốn hay không nhưng chẳng ai có thể phủ nhận vị trí của một “công thần” khi Trần Vũ mang lại không ít vinh quang cho bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia, cũng như bóng đá Đà Nẵng sau này.

Dù không thiếu tài năng nhưng cuộc đời bóng đá của Trần Vũ luôn gặp quá nhiều thử thách và không kém phần nghiệt ngã. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dù không thiếu tài năng nhưng cuộc đời bóng đá của Trần Vũ luôn gặp quá nhiều thử thách và không kém phần nghiệt ngã. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau ngày đất nước thống nhất, giã từ giảng đường Đại học Phú Thọ, Trần Vũ đã chia tay mảnh đất Sài Gòn hoa lệ, trở về Đà Nẵng. Để rồi, với niềm đam mê túc cầu và cùng với Nguyễn Nho Đức (đồng đội ở CLB Lữ Gia, Sài Gòn), Phan Trọng Quang, Nguyễn Văn Minh (tự “Chức đen”, cùng đội bóng Không đoàn Kỹ thuật) và những Nguyễn Văn Phú, Ngô Minh Thành, Lê Văn Cần, Phan Ngọc Trung…, Trần Vũ trở thành một trong những người gieo những “hạt giống” đầu tiên cho bóng đá sông Hàn.

Cùng với đồng đội, Trần Vũ góp phần quan trọng mang về cho quê hương danh hiệu đầu tiên dưới màu áo đội tuyển Quảng Nam - Đà Nẵng, bằng chiếc Cúp Vô địch giải bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất 1976”. Riêng anh còn đoạt thêm danh hiệu “Vua phá lưới”, khi có 10 lần tung lưới đối phương.

Kể từ đó, hàng loạt thủ môn danh tiếng lúc bấy giờ như Trần Văn Khánh (Thể Công), Nguyễn Trường Sinh (Tổng cục Đường Sắt), Dương Sắc Thái (Công nhân Hóa chất thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Minh Lý (Sở Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh), Lưu Kim Hoàng (Cảng Sài Gòn)… lần lượt trở thành “nạn nhân” của chàng trung phong đất Quảng, với lối chơi chân phương nhưng vô cùng hiệu quả.

Thế nhưng, do nhiều lý do, mãi đến mùa bóng 1982, cùng những đàn em như Lê Văn Sinh, Nguyễn Thiên, Trương Văn Lợi, Hoàng Kim Tuấn, Phan Văn Lợi…, Trần Vũ mới có thể góp phần giúp bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng, với cái tên Cảng Đà Nẵng, được bước vào làng bóng đá đỉnh cao A1 lúc bấy giờ.

Trong chặng cuối của cuộc đời cầu thủ, Trần Vũ không thể có được niềm vui trọn vẹn khi có đến ba lần anh cùng các đồng đội đều thất bại trong các trận chung kết giải Vô địch quốc gia (1987 và 1990 trước Thể Công; 1991 trước Hải quan thành phố Hồ Chí Minh). Trong đó, trận thua trước Hải Quan ẩn chứa khá nhiều nghi vấn và Trần Vũ là một trong số những cầu thủ chịu nhiều điều tiếng, dù lúc ấy anh chỉ đóng vai trò dự bị.

Chia tay cuộc đời cầu thủ, anh được thay thế người thầy của mình là HLV lão làng Vũ Văn Tư để dẫn dắt đội Quảng Nam - Đà Nẵng ở mùa giải 1992. Lần đầu tiên trong vai trò HLV, Trần Vũ đã có danh hiệu khi đưa đội bóng đất Quảng lên ngôi vô địch quốc gia, sau chiến thắng 2-0 trước Công an Hải Phòng ngay tại Chi Lăng. Một năm sau, cũng trên sân nhà, Trần Vũ tiếp tục gặt hái thành công mới với chiếc Cúp Quốc gia 1993 khi đánh bại Tổng cục Đường sắt 2-1.

Song chẳng ai ngờ ngay sau đó, anh phải cay đắng chia tay các học trò vì những vấn đề nội bộ. Trở về Phòng Nghiệp vụ (Sở TDTT), Trần Vũ phải đóng rất nhiều vai; khi là trọng tài bóng đá, có lúc đảm trách huấn luyện cho các trường phổ thông và cũng lắm khi anh phải làm trọng tài chốt ở một số giải Việt dã - chạy Vũ trang Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc ấy, một nụ cười đầy cay đắng luôn gắn trên đôi môi anh. Sự ẩn nhẫn rồi cũng được bù đắp khi mùa bóng 2000-2001 Trần Vũ được thay HLV Trần Văn Phúc và anh đã góp công sức không nhỏ giúp CLB Đà Nẵng được thăng hạng chuyên nghiệp.

Vậy mà dường như cuộc đời luôn dành cho anh những thử thách nghiệt ngã khi mùa giải 2003 kết thúc, cũng là lúc anh phải chia tay vị trí “thuyền trưởng” bóng đá Đà Nẵng. Mãi đến năm 2006, anh mới được trao quyền HLV trưởng sau khi người tiền nhiệm Lê Thụy Hải chia tay Đà Nẵng vì “sự cố SEA Games 2005”.

Mùa giải 2006, đội bóng của anh hầu như không có đối thủ và kết thúc lượt đi CLB Đà Nẵng bỏ xa hàng loạt đối thủ chủ yếu đến 11 điểm, độc chiếm ngôi đầu bảng. Thế nhưng, ở lượt về, Đà Nẵng bắt đầu “rơi tự do” với 5 trận đầu thua liên tiếp, để rồi chung cuộc đứng thứ 7 khi chỉ kiếm nổi 10 điểm sau 13 trận.

Có lần Trần Vũ tâm sự: “Tôi thừa biết, một số cầu thủ trụ cột đã nương theo dư luận để “bán đứng” cả tôi lẫn đội bóng. Thế nhưng, không có bằng chứng cụ thể và lãnh đạo lại quá tin cầu thủ nên tôi phải gánh chịu trách nhiệm”. Nghiệt ngã hơn, dù mùa giải chưa kết thúc nhưng Trần Vũ đã biết trước số phận khi những thông tin về việc anh phải nhường lại vị trí cho đàn em Phan Thanh Hùng được công khai từ rất sớm. Vậy mà trước khi đảm trách cương vị Giám đốc Kỹ thuật, anh vẫn kịp bổ sung vào phòng truyền thống của bóng đá Đà Nẵng chiếc Cúp Vô địch giải Bóng đá Đại hội TDTT lần thứ 5 (2006).

Sau hàng loạt sự cố, anh chấp nhận an phận. Song, một lần nữa số phận lại như “trêu ngươi”. Chỉ sau ba trận không thành công tại V-League 2008, cả Trần Vũ lẫn Phan Thanh Hùng đều bị phế truất. Phẫn uất đến độ người đàn ông này phải chạy ra sân Chi Lăng, ngửa mặt lên trời ta thán: “Mấy chục năm cống hiến cho bóng đá Đà Nẵng, giờ người ta vứt ra đường thế này sao!”.

Khi được biệt phái vào Quảng Nam đảm trách vai trò Giám đốc Kỹ thuật, dường như Trần Vũ tìm lại được niềm vui. Vậy mà, có đến hai lần anh lại “bị” lên làm HLV trưởng, như một giải pháp “chữa cháy”, trước khi “ấm chỗ” ở vị trí Giám đốc Kỹ thuật, kể từ V-League 2012 cho đến nay. Có thể “ngộ” được rất nhiều, người đàn ông tuổi Ất Mùi ấy mới từ bỏ cả tính cách thẳng thắn, bộc trực đến… khó chịu của mình. Dẫu sao, vẫn mừng cho anh khi đoạn cuối cuộc đời bóng đá của mình, Trần Vũ cũng đã có được niềm vui cần thiết…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.