Thể thao
Muaythai và nỗi buồn võ Việt
Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5) đã kết thúc với thành công khá trọn vẹn. Song, có một thực tế khác về chuyên môn cần được nhìn nhận để thấy rằng, phần nào đó, tại các sàn đấu Vovinam hay Võ cổ truyền, chúng ta đã thua trên chính sân nhà của mình.
Vì nhiều nguyên nhân, võ Việt đã “thua” Muaythai ngay trên sân nhà tại ABG 5. Trong ảnh: Các VĐV thi đấu Vovinam. |
Khi được trực tiếp chứng kiến sự cổ vũ cuồng nhiệt của rất đông khán giả ở các trận Muaythai, đến độ không còn chỗ chen chân và quang cảnh trái ngược tại các sàn đấu Vovinam hay Võ cổ truyền, rất dễ nhận thấy sự khác biệt. Ở môn Muaythai, ngoài Thái Lan và Việt Nam, còn có võ sĩ của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia thi đấu như: Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, Iraq, Jordan, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Kazakhstan, Malaysia... Ngược lại, ngoài các nước Đông Dương, chỉ có Ấn Độ, Jordan tham gia môn Võ cổ truyền; hay Ấn Độ, Myanmar, Indonesia thi đấu môn Vovinam. Dĩ nhiên, những hạn chế trong việc quảng bá cũng là một trong những nguyên nhân khiến người xem ít lưu tâm những trận đấu Vovinam hay Võ cổ truyền nhưng có lẽ nguyên nhân chủ yếu chính là sức hấp dẫn từ các trận đấu của võ Việt chưa thể sánh với Muaythai.
Trong Muaythai, các VĐV được sử dụng mọi bộ phận của cơ thể để ra đòn; kể cả đầu gối, cùi chỏ, cũng như có thể tấn công đối thủ vào mạn sườn, bụng, cổ... Trong khi đó, các đòn thế của võ Việt đều thiên về triết lý “lấy nhu khắc cương”, “lấy ngắn thắng dài” và không mang tính triệt hạ. Thế nhưng, không phải sự khác biệt ấy khiến người xem ít hào hứng với võ Việt. Phải chăng, phương thức quảng bá, phát triển võ Việt ở khu vực châu Á chưa được chú trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia thi đấu của VĐV các nước trong châu lục?
Một thực tế khác cần nhìn nhận khi Muaythai có đến 16 nội dung tranh huy chương thì ở Võ cổ truyền chỉ có 11 nội dung, còn Vovinam vỏn vẹn 9 nội dung và chỉ gồm những nội dung biểu diễn. Hơn nữa, việc các VĐV chủ nhà không quá nỗ lực ở một vài nội dung Vovinam hoặc Võ cổ truyền cũng khiến người xem giảm nhiều sự hứng thú. Ngược lại, nói như cách của giới chuyên môn, người Thái biết cách “nhường” đối thủ, song cũng biết cách tạo nên những trận đấu sôi động, hào hứng.
Được biết, đến nay, Muaythai đã phát triển ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, không chỉ ở châu Á mà cả châu Âu và châu Mỹ, dù đó là môn thể thao không nằm trong hệ thống thi đấu Olympic.
“Một bàn thua” khác cho nước chủ nhà Việt Nam tại ABG 5 còn ở việc Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach đến dự khán môn Muaythai và việc đó nằm trong chương trình chính thức của Chủ tịch IOC tại ABG 5. Đáng buồn hơn bởi sau khi chứng kiến sự cổ vũ cuồng nhiệt của người xem ở sàn đấu Muaythai tại ABG 5, Chủ tịch IOC Thomas Bach thừa nhận sức hấp dẫn của môn võ này và cho biết, chỉ cần Liên đoàn Muaythai thế giới (IFMA) chuẩn bị tốt hồ sơ theo yêu cầu cùng với việc vận động tốt, IOC sẽ xem xét để đưa Muaythai vào hệ thống thi đấu Olympic. Còn với võ Việt, cho đến bao giờ?
Bài và ảnh: BẢO AN