.
Giải Cử tạ Vô địch quốc gia 2016

Chất lượng không như mong đợi

.

Đó là đánh giá của Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, Trưởng bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) Đỗ Đình Kháng về Giải cử tạ vô địch quốc gia 2016, vừa diễn ra từ ngày 29-10 đến 1-11, tại Đà Nẵng.

Niềm vui của đô cử Nguyễn Văn Trọng (An Giang) sau khi phá rất sâu kỷ lục quốc gia ở hạng cân trên 105 kg.
Niềm vui của đô cử Nguyễn Văn Trọng (An Giang) sau khi phá rất sâu kỷ lục quốc gia ở hạng cân trên 105 kg.

Bởi trong 7 buổi thi đấu trước đó, chỉ duy nhất có đô cử Phạm Tuấn Anh (hạng 69 kg nam, Thanh Hóa) thiết lập được kỷ lục quốc gia mới ở nội dung cử đẩy, do VĐV Lê Quang Trung lập được tại giải Cử tạ vô địch quốc gia 2015. Tuy nhiên, Phạm Tuấn Anh cũng chỉ vượt kỷ lục cũ đúng 1 kg (169 kg so với 168 kg). Nhận xét về chất lượng giải đấu, Phó vụ trưởng Đỗ Đình Kháng thừa nhận: “Qua theo dõi trực tiếp, tôi nhận thấy, chất lượng của giải năm nay không bằng những năm trước. Đặc biệt, ở những hạng cân thế mạnh của Cử tạ Việt Nam như hạng 56 kg, 62 kg nam và 48 kg, 53 kg nữ. Dĩ nhiên, có nhiều lý do; trong đó, có một số VĐV sẽ chuẩn bị tham gia thi đấu tại giải trẻ vô địch châu Á tại Nhật Bản. Cho nên có thể không ít VĐV vẫn chưa tung hết khả năng và là nguyên nhân dẫn đến thành tích các hạng cân nhẹ chưa cao”.

Song cũng cần thừa nhận, sự chuẩn bị của những đô cử được xem là hy vọng vàng của Cử tạ Việt Nam như Trần Lê Quốc Toàn (hạng 56 kg nam), Lê Quang Trung (hạng 69 kg nam, Đà Nẵng) hay Nguyễn Trần Anh Tuấn (hạng 56 kg nam, TP. Hồ Chí Minh) đều thi đấu dưới sức mình.

Trong đó, trường hợp của Trần Lê Quốc Toàn khá rõ nét khi việc phải ép cân gần ngày thi đấu khiến đô cử này không thể hoàn thành phần thi cử giật, với mức tạ khởi điểm chỉ 120 kg. Thậm chí, cũng với mức tạ này, Quốc Toàn liên tiếp thất bại trong hai lần thi sau và đánh mất cơ hội tranh HCV tổng cử.

Hơn nữa, sự chủ quan khi đánh giá đối thủ trong bối cảnh Thạch Kim Tuấn vắng mặt, cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc Quốc Toàn thi đâu không thành công ngay tại sân nhà. VĐV trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn cũng gặp thất bại tương tự với ba lần không thể nâng được mức tạ 115 kg rồi 116 kg trong ba lần cử giật. Ngay trong nội dung cử đẩy, Anh Tuấn cũng chỉ đạt thành tích khá khiêm tốn 140 kg.

Tương tự, đô cử Lê Quang Trung chỉ đạt thành tích cử đẩy 158 kg, kém xa so với kỷ lục quốc gia 168 kg do chính anh nắm giữ trước đó. Chính sự “rơi rụng” của rất nhiều VĐV ở một trong hai nội dung thi đấu khiến thành tích tổng cử của các hạng cân 56 kg và 69 kg nam chỉ được trao cho hai VĐV ở mỗi hạng cân (!).

May mắn khi trong buổi thi đấu cuối cùng (chiều 1-11), không khí của giải đấu mới được “hâm nóng” nhờ cuộc tranh tài sôi động và quyết liệt ở các hạng cân 105 kg và trên 105 kg nam.

Ở hạng cân 105 kg, đô cử Nguyễn Minh Quang (TP. Hồ Chí Minh) phá kỷ lục quốc gia của chính mình thiết lập tại SEA Games 27 (Myanmar, 2013) nội dung cử giật với thành tích 157 kg (so với 156 kg) và sau đó, tiếp tục phá kỷ lục quốc gia nội dung cử đẩy với thành tích 190 kg (so với 188 kg). Tuy nhiên, VĐV Nguyễn Văn Trọng (An Giang) xuất sắc hơn khi bước vào thi đấu hạng cân trên 105 kg. Sau khi phá rất sâu kỷ lục quốc gia nội dung cử giật (146 kg, do VĐV Phạm Mạnh Hùng, Hà Nội thiết lập tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, tại Nam Định) với thành tích 158 kg, anh tiếp tục ba lần chinh phục thành công các mức tạ 181 kg, 190 kg và 196 kg nội dung cử đẩy; so với kỷ lục cũ 180 kg cũng của đô cử Phạm Mạnh Hùng.

Khép lai giải đấu, với thành tích 12 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ, đoàn TP. Hồ Chí Minh xứng đáng giành thứ hạng nhất toàn đoàn. Đoàn Hà Nội (10 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ) và đoàn Hải Phòng (3 HCV, 4 HCB, 6 HCĐ) chia nhau hai thứ hạng nhì và ba toàn đoàn.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.