.

AFF SUZUKI CUP 2016: Cơ hội nào cho Myanmar trước Thái Lan?

.

Myanmar đã mạnh lên so với cuộc đối đầu giữa hai đội tại Bán kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) 2014.

Cầu thủ Teerasil Dangda (trái), đội Thái Lan tranh bóng với các cầu thủ đội Indonesia trong trận đấu bảng A- AFF Suzuki Cup 2016 tại Philippines ngày 19/11. (Nguồn: AP/TTXVN)
Cầu thủ Teerasil Dangda (trái), đội Thái Lan tranh bóng với các cầu thủ đội Indonesia trong trận đấu bảng A- AFF Suzuki Cup 2016 tại Philippines ngày 19/11. (Nguồn: AP/TTXVN)

Hai năm qua, Myanmar mạnh lên ở Đông Nam Á, còn Thái Lan, họ đang nỗ lực vươn lên tiệm cận đẳng cấp châu lục.

Thái Lan đang thống trị bóng đá khu vực Đông Nam Á suốt 3 năm qua, từ SEA Games đến AFF Suzuki Cup nhờ thế hệ 2013 với những Chanathip Songkrasin, Sarach Yoonen, Tristan Do hay Kawin.

Năm 2013, Thái Lan giành Huy chương Vàng SEA Games 2013 với những cái tên ấy, họ giải cơn khát danh hiệu cho bóng đá Thái sau 2 kỳ SEA Games, 3 kỳ AFF Suzuki Cup trước đó. Quan trọng hơn, 2013 là năm bản lề đưa bóng đá Thái vươn ra khỏi “ao làng” Đông Nam Á.

Kiatisak lên nắm quyền đội tuyển quốc gia một năm sau đó. Ông loại bỏ hết tàn dư từ thế hệ cũ, chỉ giữ lại số ít như tiền đạo số 1 Teerasil Dangda, đôn những tài năng trẻ vừa giành Huy chương Vàng SEA Games 2013 lên đội tuyển.

Những cầu thủ ấy - được một huyền thoại bóng đá Thái Lan khẳng định là “một thế hệ đặc biệt” - đã tiếp tục giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2014.

“Tik tok” bắt đầu ra đời, Kiatisak từ huấn luyện viên trở thành nhà quản lý cho bóng đá Thái Lan. “Tik tok” trở thành lối chơi xuyên suốt cho tất cả các cấp độ đội tuyển, từ U16 tới U23 cho đến đội tuyển quốc gia.

Thái Lan tiếp tục thống trị SEA Games 2015, lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á, và cuối cùng tất cả những gì họ để lại trong tâm trí khu vực là đội bóng số 1 Đông Nam Á thời điểm hiện tại.

Ở phía Tây Thái Lan, người hàng xóm Myanmar cũng bắt đầu trỗi dậy. Những lệnh cấm vận và trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) dần được dỡ bỏ đem đến một nguồn sinh khí mới cho đất nước này.

Bóng đá Myanmar cũng nhận được hệ quả tích cực từ đó, U20 Myanmar lọt vào tới vòng Chung kết U20 World Cup 2015 là một kỳ tích lớn, sự tự hào với bóng đá nước này nói riêng và khu vực nói chung.

Thế hệ tham dự U20 World Cup ấy đang là trụ cột tại đội tuyển quốc gia lúc này. “Sát thủ” trẻ Aung Thu, tiền vệ Zin Phyo Aung, Yan Naing Oo, Myo Ko Tun, trung vệ Hein Thiha Zaw là hiện tại và tương lai của bóng đá Myanmar.

Lần thứ hai liên tiếp lọt vào Bán kết một kỳ AFF Cup là thành công với Myanmar. Lần thứ hai liên tiếp gặp Thái Lan, trận đấu trên sân nhà là cơ hội để Myanmar khẳng định cho Đông Nam Á thấy họ đã thay đổi đến mức nào.

“Các cổ động viên Myanmar có thể dành cho chúng tôi những sự đe dọa nhưng tôi không quan tâm đến điều ấy. Các cầu thủ của chúng tôi đã quá quen với việc thi đấu trước đám đông và chúng tôi sẽ sử dụng nó thật tốt,” huấn luyện viên Kiatisak phát biểu với tờ Siam Sports trước chuyến làm khách tại Myanmar vào ngày 4/12.

Huấn luyện viên Kiatisak đã quá quen với bầu không khí rực lửa ở các sân vận động, các học trò của ông cũng vậy. Sân Thuwunna với sức chứa 32.000 chỗ ngồi chắc chắn sẽ chật kín vào tối nay (4/12). Myanmar đã tận dụng rất tốt lợi thế sân nhà để gây khó dễ cho các đối thủ ở bảng B, nhưng với người Thái họ dường như chẳng quan tâm lắm đến điều này.

“Tôi tự tin về một kết quả tốt trước Myanmar. Tôi tin rằng Thái Lan là đội bóng mạnh hơn,” huấn luyện viên Kiatisak mạnh dạn phát biểu. Thái Lan hành quân đến Myanmar và chỉ thiếu vắng đúng một cái tên là trụ cột ở hàng phòng ngự Theerathon Bunmathan. Hậu vệ cánh trái này gặp chấn thương trong buổi tập gần đây nhưng không khiến người Thái bối rối.

Thái Lan vẫn còn đó Peerapat Notchaiya sẵn sàng thay thế. Họ đã quá quen với những sự thay đổi vì chất lượng của những cái tên dự bị. Trận đấu cuối cùng với Philippines ở bảng A Thái Lan vẫn giành chiến thắng tối thiểu với 10/11 cái tên dự bị.

Một đội bóng có chiều sâu như Thái Lan luôn là điều đáng sợ với những đội bóng chiếu dưới vì họ có quá nhiều giải pháp, dù Myanmar đã thay đổi đến thế nào đi chăng nữa.

Dự kiến đội hình xuất phát:

Myanmar: Zin Phyo, Ko Thein, Htan, Set Naing, Min Tun, Ko Tun, Nanda Kyaw, Aung Kyaw, Maung Lwin, Aung Thu, Zin Lwin.

Thái Lan: Kawin, Pratum, Tanaboon, Adisorn, Tristan Do, Sarach, Pokklaw, Peerapat, Chanathip, Sirod, Teerasil Dangda.

Theo Vietnam+

 

;
.
.
.
.
.