Thể thao

Người thắng phải là bóng đá

10:13, 15/01/2017 (GMT+7)

Đội tuyển Anh có thể phải dừng cuộc chơi ngay từ vòng bảng sau loạt sút luân lưu 11 mét là một trong những dự lường thú vị về những gì sẽ xảy ra sau quyết định của FIFA tăng số đội tham gia vòng chung kết World Cup lên 48 đội kể từ năm 2026.

Viễn cảnh này bắt nguồn từ “thói quen” thường hay thất bại trên chấm 11 mét của con cháu ngài Bobby Charlton và nét lạ lẫm được tìm thấy ở chỗ lâu nay chưa có đội tuyển nào bị loại vì những quả sút luân lưu tệ hại ở vòng đấu bảng.

Sẽ phải đỏ mắt người ta mới tìm được các trận ra hồn ở vòng đấu này vì sự chênh lệch về thực lực, đẳng cấp; thậm chí có người cho rằng đây là một vòng đấu phí phạm vì thế nào rồi cũng diễn ra các màn bắt tay nhau đóng kịch để cùng bước vào vòng trong.

Sẽ có 48 đội tuyển tham dự vòng chung kết World Cup. (Nguồn: Getty Images)
Sẽ có 48 đội tuyển tham dự vòng chung kết World Cup. (Nguồn: Getty Images)

48 đội, 16 bảng với tổng cộng 80 trận đấu theo như dự thảo kế hoạch của cơ quan quyền lực cao nhất bóng đá thế giới, cùng với nỗi lo về chất lượng đi xuống do cảnh phó hội đầy vẻ tạp lục của tứ phương là nỗi nghi ngại về tính công bằng chính xác trong cách chọn lựa các đội tham gia.

Sẽ có đội xếp thứ hạng cao ở khu vực châu Âu phải ngồi nhà xem các đội dưới cơ ở các khu vực CONCACAF, châu Đại Dương, châu Á… điềm nhiên thi thố tại sân chơi này. Cuộc tranh tài vòng bảng tại một số khu vực sẽ thôi còn gay cấn, căng thẳng vì số lượng vé vào vòng chung kết World Cup được nới rộng.

Khi có đến 7 hoặc 8 đội được chọn vào vòng chung kết trong tổng số 10 đội tuyển dự tranh vòng đấu bảng, nguy cơ Brazil hay Argentina ở khu vực Nam Mỹ phải ngồi nhà là chuyện rất khó xảy ra.

Chất lượng tranh tài và sự bội thực bóng đá là điều khiến nhiều người lo ngại nhiều nhất với các vòng chung kết bao gồm 48 đội tuyển. Với cái đích tìm cho ra các gương mặt cao quý nhất của bóng đá đương đại, quy tụ sống động các thành tựu tiên tiến về lối chơi, giới thiệu các sáng tạo, cách tân trong kỹ thuật, phong cách, ngày hội của bóng đá hành tinh với số lượng dàn trải như thế sẽ khó bề đạt đến ước vọng.

Tất nhiên, ngoài mục đích tăng thêm lợi nhuận từ việc bán vé, bán bản quyền truyền hình và những lợi ích vật chất khác nhằm đầu tư cho bóng đá, những nhà lãnh đạo FIFA luôn thấy mình đúng với quyết định này, trong đó có việc mở rộng cơ hội cho những khu vực bóng đá yếm thế, tạo hy vọng cho những nền bóng đá nhỏ, xóa dần hố sâu cách biệt giữa các vùng miền.

Cơ sở cho niềm tin này của họ là sự trỗi dậy ngoạn mục gần đây của những Costa Rica ở  vòng chung kết World Cup 2014, những Iceland, Xứ Wales ở vòng chung kết Euro 2016. Nhưng phải chăng, vào lúc bóng đá thế giới có chiều chững lại về tính thu hút- thể hiện qua chất lượng và thực tế tranh tài của World Cup 2014 và Euro 2016- việc tăng số lượng đội tuyển tranh tài tại vòng chung kết World Cup cần đi theo lộ trình cẩn trọng, chu đáo và có tính thuyết phục cao, trước hết bằng chất lượng và sự lành mạnh của chính bóng đá?

Bất cứ nỗ lực cách tân nào cũng dựa trên nhu cầu thực tế của công chúng và hướng về lợi ích thiết thân, trong sáng của bóng đá. Người thắng lớn nhất phải là bóng đá- với tất cả hồn nhiên, lành mạnh, vô tâm- chứ không phải các tính toán thực dụng, xa rời thể thao. Quyết định mới nhất của FIFA sẽ tạo đà hòa nhập, phát triển bình đẳng cho các vùng trong cộng đồng bóng đá đa sắc màu.

Nhưng hãy coi chừng, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nếu không khéo, cũng chính chủ trương này lại khiến sân cỏ mất dần nét thu hút riêng có.

ĐÌNH XÊ

.