.

World Cup tăng lên 48 đội: Lợi hay hại?

.

Ngày hôm qua, FIFA đã quyết định tăng số đội dự World Cup 2018 lên thành 48 đội, tăng 16 đội so với phiên bản hiện tại. Đây là “nước cờ” mang nhiều tranh cãi của FIFA. Liệu chăng, đó có phải là giải pháp hay?

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino luôn nhạy bén trong kinh doanh
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino luôn nhạy bén trong kinh doanh.

World Cup thực sự là “ngày hội”, không còn là thử thách

Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino vốn là cử nhân luật nhưng ông lại có đầu óc kinh doanh đại tài. Thời trước, khi làm Tổng thư ký UEFA, ông cũng là một trong những người đóng góp ý tưởng nâng số đội dự Euro lên thành 24 đội. Cuối cùng, như đã thấy, ý tưởng này đã được thông qua và bắt đầu áp dụng từ kỳ Euro 2016.

Theo cách suy nghĩ thông thường, đương nhiên, việc tăng số đội tham dự World Cup sẽ giúp FIFA thu về nguồn lợi lớn. Bởi lẽ, khi ấy, nguồn thu từ bản quyền truyền hình, quảng cáo, tài trợ… sẽ đương nhiên tăng cao (bởi có nhiều đội tham dự, nhiều trận đấu hơn).

Một ví dụ tiêu biểu nhất là kỳ Euro 2016 vừa qua (khi giải đấu bắt đầu tăng lên 24 đội). Theo báo cáo tài chính, doanh thu của UEFA đã đạt tới 1,9 tỷ euro, tăng 34% so với kỳ Euro 2012. Trong đó, doanh thu từ bản quyền truyền hình chiếm 1,5 tỷ, 480 triệu euro từ các nhà tài trợ và 400 triệu euro từ tiền bán vé. Sau khi chi 1,1 tỷ euro để trao thưởng cho các đội tuyển, UEFA vẫn lãi tới 830 triệu euro, con số kỷ lục.

Người ta có thể mường tượng, khi World Cup tăng lên 48 đội (tức gấp đôi số đội dự Euro 2016) với 80 trận đấu, doanh thu của FIFA lớn tới nhường nào. Đó là cơ hội kiếm tiền họ chẳng thể nào bỏ qua.

Tất nhiên, trên danh nghĩa, FIFA không bao giờ đề cập tới “miếng bánh khổng lồ” ấy. Chia sẻ trước báo giới, Chủ tịch Gianni Infantino lý giải rằng ông muốn hướng tới giải đấu “toàn diện” hơn. Giờ đây, World Cup không còn là điều gì quá xa vời (với nhiều đội tuyển tầm trung) mà nó sẽ biến thành ngày hội thực sự, của tất cả mọi đội tuyển. Thậm chí, trong ngày may mắn, những đội tuyển ở “vùng trũng” Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan... hoàn toàn có cơ hội dự World Cup.

Chủ tịch Gianni Infantino cho rằng việc tham dự World Cup (thay vì buông xuôi sớm ở vòng loại) sẽ là động lực để nền bóng đá phát triển. HLV Mourinho cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói: “Việc World Cup tăng số đội sẽ tạo nên động lực giúp các đội tuyển từng nghĩ mình không bao giờ có cơ hội dự giải đấu này phát triển”. Tương tự, huyền thoại Maradona cũng ủng hộ: “Nó mang tới ước mơ cho mỗi quốc gia, làm mới niềm đam mê với trái bóng tròn. Đó thực sự là ý tưởng tuyệt vời”.

Liệu World Cup có mất
Liệu World Cup có mất "chất" sau khi mở rộng lên 48 đội tham dự.

World Cup sẽ mất “chất”?

Bên cạnh “ý nghĩa cao đẹp” ở trên, nhiều người lo ngại rằng việc gia tăng số đội tham dự lên 48 đội có thể khiến World Cup mất “chất” bởi giải đấu sẽ rất loãng bởi sự tham gia của nhiều kẻ “thấp cổ bé họng”.

Ngoài ra, người hâm mộ sẽ “cảm thấy lãng phí thời gian” khi chứng kiến 48 trận đấu ở vòng bảng (16 bảng, mỗi bảng 3 bảng) nhưng chỉ loại được… 16 đội. Thậm chí, nó nhạt nhòa hơn khá nhiều so với vòng bảng Euro 2016 vừa qua. Rất có thể, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, FIFA sẽ tiến hành bốc thăm khi giải đấu diễn ra (thời điểm 32 đội bước vào vòng 1/16).

Ngay cả vòng loại ở các khu vực cũng sẽ thiếu hấp dẫn. Điển hình ở khu vực Nam Mỹ. Hiện tại, 10 đội tuyển Nam Mỹ đang cạnh tranh 4,5 suất đi tiếp nhưng sau này, họ rất có thể được trao khoảng 7-8 suất. Như vậy, vòng loại Nam Mỹ sẽ rất “nhạt”.

Dù sao, những lo ngại này đã xuất hiện ở Euro 2016 nhưng rồi, giải đấu vẫn diễn ra với khá nhiều kịch bản thú vị. Sự thành công của “kẻ chiếu dưới” xứ Wales hay Iceland đã tạo nên nét hấp dẫn nhất định cho giải đấu trên đất Pháp, khiến nó chẳng “nhạt” như dự đoán.

World Cup có thể mất “chất” xưa nay nhưng lịch sử cũng từng chứng kiến nhiều lần FIFA tăng số đội. Như ở World Cup 1998, lần đầu tiên, giải đấu chứng kiến tới 32 đội tham dự. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, World Cup luôn mang nét hấp dẫn riêng của nó.

Những lần thay đổi về số đội và thể thức ở World Cup trong lịch sử:

URUGUAY 1930 | 13 đội

13 đội chia làm 4 bảng (1 bảng 4 đội, 3 bảng 3 đội), chọn ra 4 đội đầu bảng tham dự vòng bán kết.

ITALY 1934 | 16 đội

Tiến hành theo thể thức knock-out.

BRAZIL 1950 | 13 đội

Thể thức tương tự như World Cup 1930

THỤY SĨ 1954 | 16 đội

16 đội chia làm 4 bảng (mỗi bảng 4 đội). Đáng chú ý, mỗi đội chỉ thi đấu 2 trận ở vòng bảng (thay vì 3 trận). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng tứ kết.

THỊU ĐIỂN 1958 | 16 đội

16 đội chia làm 4 bảng (mỗi bảng 4 đội). Mỗi đội thi đấu 3 trận ở vòng bảng. ). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng tứ kết.

TÂY ĐỨC 1974 | 16 đội

16 đội chia làm 4 bảng (mỗi bảng 4 đội). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng bảng thứ 2 (gồm 8 đội, mỗi bảng 4 đội). Hai đội đầu bảng sẽ lọt vào chung kết.

TÂY BAN NHA 1982 | 24 đội

24 đội chia làm 6 bảng (mỗi bảng 4 đội). Hai đội đứng đầu mỗi bảng lọt vào vòng bảng thứ 2 (gồm 12 đội, mỗi bảng 3 đội). Bốn đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào bán kết.

MEXICO 1986 | 24 đội

24 đội chia làm 6 bảng (mỗi bảng 4 đội). Hai đội đứng đầu mỗi bảng và bốn đội hạng ba xuất sắc nhất sẽ lọt vào vòng 1/8.

PHÁP 1998 | 32 đội

32 đội chia làm 8 bảng (mỗi bảng 4 đội). Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ lọt vào vòng 1/8.

Theo H.Long (Dân trí)

;
.
.
.
.
.