Thể thao
Ai dám hững hờ!
Hai cái tên cuối cùng có mặt ở trận chung kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha đã được xác định sau trận bán kết lượt về diễn ra rạng sáng qua, 9-2 (giờ Việt Nam): Alaves và Barcelona. Không phải đại gia Real Madrid, chẳng là bậc anh tài Atletico, chính kẻ thường thường bậc trung đứng giữa bảng xếp hạng La Liga mới hưởng vinh dự góp mặt ở ngày hội cuối với nhà đương kim vô địch. Cúp Nhà vua - giải đấu giá trị thứ nhì sau giải vô địch quốc gia - đang bị đối xử hờ hững?
Luis Suarez (bìa phải) bị thẻ đỏ, sẽ vắng mặt trong trận chung kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha. (Ảnh: Internet) |
Không, không hề như vậy! Bằng chứng rõ nhất là kịch tính và mức độ căng thẳng, gay cấn từ vòng ngoài đến vòng bán kết vừa diễn ra giữa các cặp đối thủ. Hãy xem trận bán kết lượt về giữa Barcelona và Atletico Madrid với 3 thẻ đỏ và không ít hơn 10 thẻ vàng dành cho hai đội. Ngay tại thánh địa Nou Camp mà đội chủ nhà phải vất vả chống đỡ sức công phá mãnh liệt của Diego Simeone và các học trò. Chỉ nhờ may mắn và sự xuất thần của thủ môn Cillessen mà Barcelona mới bảo toàn tỉ số 1-1 để giành chiến thắng cuối cùng sau hai lượt đấu (lượt đi họ thắng 2-1 trên sân đối phương). Đó thực sự là cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai kình địch. Bên cạnh tỉ số cuối cùng và chiếc vé vào tranh ngôi vô địch, danh dự và phẩm giá của chiến binh là điều dễ thấy ở cuộc đụng độ mất còn.
Trước đó một vòng đấu, cảnh dừng bước nghẹn ngào của Real Madrid trước Celta Vigo cũng diễn ra trong thế trận quyết liệt, sòng phẳng. Không có căn cứ thực tế nào cho thấy nhà đương kim vô địch Champions League buông mặt trận này để dồn sức cho giải vô địch quốc gia và bảo vệ chiếc cúp danh giá nhất châu lục. Nói Zidane và cầu thủ của mình chê chiếc cúp Nhà vua là xúc phạm danh dự và lòng liêm sỉ của đại diện bóng đá hoàng gia. Họ đã chiến đấu hết mình trên mặt trận này nhưng vấp phải khát vọng bền bỉ của các đối thủ. Đừng quên danh hiệu “ăn ba”, thậm chí “ăn hai” vẫn còn giá trị vững bền trong lịch sử nhiều nền bóng đá. Tầm vóc, sức mạnh truyền thống của một câu lạc bộ sẽ được nâng lên rất nhiều nhờ vào những chiến công liên tiếp và cùng lúc trên nhiều giải đấu.
Vì sao vậy? Có nhiều lý do và tiêu chuẩn lớn nhất có lẽ nằm ở thách thức: Để có thể “ăn hai” hay “ăn ba”, một đội bóng phải chiến đấu trước hết với chính khát vọng của bản thân ngay từ lúc khởi đầu mùa giải và khôn ngoan, bền chí với hành trình phân phối nguồn lực cùng lúc cho các mặt trận. Bộ óc của ban huấn luyện, ước muốn của người hâm mộ, sức chịu đựng xung trận của cầu thủ luôn được thử thách từng ngày, từng tuần, qua mỗi giai đoạn, mỗi vòng đấu ở giải vô địch quốc gia, ở Cúp Nhà vua (hay cúp quốc gia) và ở Champions League. Bất cứ động thái sơ sễnh, buông lơi nào cũng dẫn đến vấp ngã. Sau thất bại của một đội bóng ở một giải đấu nào đó, người ta thường suy diễn nguyên do vì đội bóng ấy sợ quá tải hay không kham nổi cùng lúc nhiều giải đấu nên buộc phải chủ động từ bỏ cuộc chơi nhằm dồn sức cho mặt trận chính yếu. Thực tế này có thể đã xảy ra ở vài đội bóng nhưng đừng quên vai trò của sức mạnh tinh thần trong việc hình thành và nung nấu nội lực của một câu lạc bộ. Các vấp ngã lắm lúc kéo theo thất bại dây chuyền từ mặt trận này sang sân chơi nọ và đó là điều các đội bóng- đặc biệt là các tên tuổi lớn- luôn kiêng kỵ.
Cuối tuần này, cuộc gặp Alaves-Barcelona ở giải vô địch quốc gia vô hình trung trở thành trận đấu “nháp” của chung kết Cúp Nhà vua Tây Ban Nha. Đội này hướng đến mục tiêu “ăn hai”, “ăn ba” trong khi tập thể kia mơ một lần chạm tay vào ngôi vô địch. Chắc hẳn vì thế mà chiếc cúp trở nên danh giá bội phần!
ĐÌNH XÊ