Phạt các thành viên đội Long An là đúng sau sự cố trên sân Thống Nhất. Nhưng đấy chỉ mới là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc, làm thế nào để không có “sự cố Long An” thứ hai, thứ ba... có thể xảy ra vẫn cứ là điều nhức nhối?
Phạt một đội Long An vì tội phản ứng thì dễ, nhưng lập lại kỷ cương cho bóng đá nội... (ảnh: Anh Hải) |
Án phạt chỉ giải quyết phần ngọn
Long An phản ứng là sai, sai rành rành. Phạt đội này là đáng, rất đáng. Nhưng nói cho cùng phản ứng của đội bóng miền Tây Nam bộ chỉ đến từ sự ức chế tích tụ lâu ngày, như một mồi lửa cứ âm ỉ chực bùng phát.
Vấn đề nằm ở chỗ VFF phạt nặng các thành viên đội Long An thì có giải quyết hết những bức xức mà các CLB Việt Nam, các cầu thủ và HLV của bóng đá nội vẫn mang trong mình từ năm nay qua năm khác, từ mùa giải nọ đến mùa giải kia hay không?
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tập thể cả một đội bóng gồm hai mươi mấy con người đồng loạt sừng sộ với trọng tài, cũng không phải ngẫu nhiên mà cứ nói đến giới trọng tài thì cả làng cầu Việt Nam cứ xem đấy như một sự nhức nhối!
Long An sai, họ sẵn sàng công khai xin lỗi về sự sai quấy của mình, sẵn sàng từ chức đồng loạt, sẵn sàng chịu mọi án phạt từ phía cơ quan điều hành bóng đá nội, còn trọng tài sai thì sao?
... khôi phục niềm tin đã mất của giới trọng tài mới là điều cực khó (ảnh: Anh Hải) |
Trọng tài sai từ vòng này qua vòng khác, từ năm nọ qua năm kia, nhưng ông trưởng Ban trọng tài vẫn ngồi đấy như một lời thách thức đến kỷ cương của giải đấu, của bóng đá Việt Nam.
Giới trọng tài yếu kém từ mùa trước đến mùa sau, biết bao lần hứa thay đổi, nhưng sau mỗi lần hứa lại thêm một lần sai trầm trọng hơn, ấu trĩ hơn, gây mất niềm tin hơn nơi những bộ phận tham gia vào nền bóng đá, nơi những ai còn quan tâm đến bóng đá Việt Nam.
Không một lời xin lỗi nào được đưa ra, cũng chẳng có bài học kinh nghiệm nào thật sự được đúc kết qua cách làm việc của giới trọng tài.
Rồi ban tổ chức giải điều hành yếu kém nữa. Họ bất lực trước các sự cố nhưng lẽ nào họ lại vô can?
Đội Long An bị lên án vì cách phản ứng không đúng phương pháp, phản cảm và đi ngược lại các quy tắc của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thử hỏi họ phản ứng vì cái gì? Nếu không phải là bức xúc kéo dài, nếu tin vào sự công tâm của giới vua sân cỏ, tin vào sự công bằng ở cái sân chơi mà họ đang chơi, của toàn bộ nền bóng đá Việt Nam, đội bóng miền Tây Nam bộ có phản ứng mạnh đến mức ngỡ ngàng như vậy không?
Đi trên dây tử thần
Trước Long An, không ít đội bóng cũng từng phản ứng cực mạnh, bởi nói cho cùng làng cầu Việt Nam bây giờ quá mất niềm tin vào giới trọng tài. Chỉ có điều, không như Long An, thủ môn Minh Nhựt hay cựu đội trưởng Quang Thanh của họ, SL Nghệ An, trước nữa là Thanh Hoà, rồi HA Gia Lai, SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC, Hải Phòng... không dại dột làm quá lố như các thành viên của đội bóng miền Tây Nam bộ.
Sau Long An, có ai dám chắc rằng sẽ không còn những trường hợp tương tự? Chẳng phải cơ quan đầu não của bóng đá nội từng trừ điểm XM Xuân Thành Sài Gòn, đánh tuột hạng Thành Nghĩa Quảng Ngãi hay sao? – Nhưng ngay cả khi đó, sau những án phạt của các năm trước, người ta vẫn cứ phản ứng vì có thể khi vượt qua giới hạn của sự chịu đựng, trước sau gì thì sự bức xúc cũng phải bùng phát.
Nếu các đội đã phản ứng, mà lại là phản ứng dây chuyền, thì e rằng môi trường V-League, môi trường bóng đá nội thực sự có vấn đề, cần phải được xem lại.
Xử đội Long An là đúng nhưng chưa đủ, vì chỉ là giải quyết hậu quả của một trò lố, chứ chưa đi sâu vài căn nguyên của trò lố đấy.
VFF đã rà soát công tác trọng tài hay chưa? Hay chính VFF cũng bất lực trong việc cải tổ Ban trọng tài như chính họ đã hứa sau mùa giải trước?
Nếu chỉ vì một quả phạt đền, có lẽ người ta không đồng loạt lao vào sân như vậy. Và cho dù trọng tài Trọng Thư có đúng hay không đúng trong quả phạt đền lịch sử ấy, trên sân Thống Nhất, điều người ta quan tâm vẫn không phải là riêng quả phạt đền vừa nêu.
Một hay một vài tính huống sai hay đúng, theo hướng nhận định, vẫn không phải ánh được tính công bằng, sự công tâm của trọng tài trong suốt 90 phút của một trận đấu, suốt quá trình hành nghề.
Xử đội Long An dễ lắm, nhưng làm cách nào để ngăn chặn những “hiện tượng Long An” thứ hai, thứ ba mới là điều khó. Làm thế nào để tạo ra một môi trường tốt cho bóng đá nội càng khó hơn, trong khi điều đó chưa hề được thể hiện sau một – hai án điểm.
Không tạo được môi trường công bằng, không lấy lại được niềm tin cho giới trọng tài, không giải quyết được sự nhức nhối trong điều hành Ban trọng tài, điều hành V-League, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục đi trên dây tử thần, mà mỗi bước chân đều có thể khiến họ có cảm giác không lạnh mà run!
Theo Dân trí